Thanh Hóa: Khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy

23/02/2021 09:09

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, 5 năm qua các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho gần 2.000 người. Các cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức cai nghiện cho trên 2.200 người. Ngoài ra, các đơn vị liên quan còn tổ chức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 100 bệnh nhân mỗi năm.

Một buổi giảng dạy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa

Năm 2020, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đã tiếp nhận 340 lượt người vào cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, có 319 học viên hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Song trong quá trình thực hiện cai nghiện đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Chí Cường, Giám đốc cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa, cho biết: Hiện cơ sở đang quản lý 500 học viên. Do là đối tượng đặc thù, đa phần người vào cai nghiện là thành phần rất phức tạp, nhận thức về lợi ích việc cai nghiện còn hạn chế nên sự tự giác chưa cao; nhiều đối tượng chưa tuân thủ tốt nội quy, quy chế của cơ sở... nên rất khó trong công tác quản lý và điều trị. Đặc biệt số đối tượng thuộc diện bị xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thường không thực hiện được. Trong khi đó, sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề riêng liên quan đến công tác cai nghiện ma túy với đa số gia đình có người nghiện chưa đầy đủ. Ở một số địa phương, công tác cai nghiện phục hồi chưa được cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm...

Còn tại một số địa phương, hoạt động cai nghiện ở các xã, phường, thị trấn chủ yếu là ra quyết định và tập trung vào cắt cơn giải độc, chưa đánh giá được nhu cầu, lập kế hoạch cai nghiện cho từng người; các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng. Nhiều địa phương thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy nhưng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thiếu phương pháp và cách tiếp cận để thu hút sự tham gia của người nghiện trong các hoạt động phục hồi. Trong khi quá trình rà soát, thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý vô cùng khó khăn, do người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, vắng mặt khỏi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là những người nghiện ma túy đi làm ăn ở các địa phương khác...

Gia đình có người nghiện đóng vai trò then chốt trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Song đa số không có kiến thức về ma túy và cai nghiện ma túy; chưa được hướng dẫn các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái nghiện. Vì vậy, họ hầu như không có biện pháp gì có thể giúp con em đoạn tuyệt với ma túy. Hơn nữa, vì bận mưu sinh, nhiều gia đình đã không thể giám sát, hỗ trợ người nghiện trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hạn chế, còn có sự kỳ thị đối với người nghiện dẫn tới thiếu quan tâm để đầu tư về nguồn lực.

Nhằm hướng đến xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa người nghiện ma túy, thời gian tới các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”, “Ngày toàn dân phòng chống ma túy”; chú trọng vào những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp, khu công nghiệp. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện; giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện ma túy nhằm hạn chế tỷ lệ tái nghiện. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn. Kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy; quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực vận động doanh nghiệp phối hợp với cơ sở điều trị cai nghiện ma túy trong việc đào tạo nghề, tiếp nhận học viên đã qua đào tạo vào làm việc sau khi hết thời hạn điều trị, cai nghiện.

Các xã, phường, thị trấn cũng cần chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp cai nghiện theo hướng tự nguyện và quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng; thành lập các tổ công tác cai nghiện ma túy, các điểm tư vấn, điều trị bằng thuốc thay thế Methadone cho người nghiện; xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ tự quản giúp nhau vượt khó, vì bình yên và sức khỏe cộng đồng...; tạo điều kiện cho người sau cai được học nghề, tìm việc làm nhằm chống tái nghiện, từng bước kiềm chế sự gia tăng tệ nạn ma túy và giảm tỷ lệ người nghiện ma túy.

Top