Tình trạng mua bán trẻ em, học sinh dân tộc nội trú diễn biến phức tạp

18/01/2021 12:14

Thời gian gần đây, tình trạng mua bán người, nhất là mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo báo cáo của các đơn vị, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ mua bán người, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân. Các đối tượng nằm trong các đường dây buôn bán người đã dùng rất nhiều các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để lùa bán ép các nạn nhân vào các hoạt động mại dâm, đẻ thuê, bán làm vợ,...

Chia sẻ tại Hội thảo Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư do Văn phòng thường trực nhân quyền Chính phủ tổ chức ngày 15/1, Thượng tá Cao Quốc Việt, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam; xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài qua Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu. Đặc biệt, tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 05 đối tượng do Tôn Nữ Thị Huyền cầm đầu.
Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội, tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi...; hoặc giả danh là cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn, giả vờ yêu đương, hứa hẹn tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiện nay, tội phạm lợi dụng lượng người đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó, lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ… Lực lượng công an đã phát hiện các đối tượng người Việt Nam  móc nối, câu kết với các đối tượng người Trung Quốc quen thuộc địa bàn biên giới đã lừa, dụ dỗ các nạn nhân (kể cả người thân trong gia đình) đưa sang Trung Quốc bán; một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” với giá từ 120.000 - 140.000 NDT/trường hợp, các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra.
Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, chính vì vậy, cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài cần sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng.
Top