Cần có biện pháp, quy định đối với người sử dụng ma túy tổng hợp

11/06/2020 13:50

Ma túy tổng hợp là một xu hướng mới, làm phát sinh đối tượng mới là người sử dụng ma túy tổng hợp mà cần được đưa vào Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đặc biệt là chương cai nghiện. * Tăng hơn 10 nghìn người nghiện ma túy mỗi năm

Ông Đoàn Hữu Bảy, Ủy viên Thư ký UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm phát biểu tại Hội thảo, Ảnh Nhật Thy

Đó là chia sẻ của ông Đoàn Hữu Bảy, Ủy viên Thư ký UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn Phòng Chính phủ tại Hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện sáng 11/6.

Ông Đoàn Hữu Bảy cho biết, trên thế giới cũng như tại Việt nam, ma túy tổng hợp là một xu thế mới khiến công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn, phức tạp, chưa có quốc gia nào có giải pháp hiệu quả.

Theo ông Đoàn Hữu Bảy, trên thế giới, chiến lược phòng, chống ma túy dựa trên 3 trụ cột là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Việt Nam xây dựng Luật Phòng, chống ma túy cũng trên quan điểm như vậy.

“Vì có ma túy tổng hợp nên phát sinh đối tượng mới là người sử dụng loại ma túy này. Ma túy tổng hợp có thể không gây nghiện, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến não bộ, nên nếu chỉ nói nghiện và cai nghiện thì không bao hàm nội dụng này. Đấy là điểm mới mà trong Luật Phòng, chống ma túy, đặc biệt là chương cai nghiện phải nêu được các chính sách biện pháp thậm chí giải thích từ ngữ”, ông Đoàn Hữu Bảy đặt vấn đề.

Chỉ thị 36 năm 2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy cũng nêu rất rõ là cần đánh giá rà soát toàn diện công tác cai nghiện. Đồng thời cần có chính sách, biện pháp đối với người sử dụng ma túy. Nội hàm người sử dụng ma túy là rất mới. Dự thảo mới nhất của Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi vẫn bỏ trống  trống biện pháp đối với người sử dụng ma túy.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy phải hiệu quả như tuyên truyền về COVID-19

Tại Hội thảo, ông Đoàn Hữu Bảy cũng nêu lên vai trò quản lý của các cơ quan quản lý cũng như phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống và cai nghiện ma túy.

Lấy ví dụ vụ việc học viên cai nghiện ma túy bỏ trốn ở Tiền Giang, Ủy viên Thư ký UBQG cho biết, trách nhiệm thuộc về địa phương, ở đây là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trước hết cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp.

Theo ông Đoàn Hữu Bảy, việc học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện chủ yếu do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do học viên sử dụng ma túy tổng hợp gây kích thích, kích động thành trào lưu tập thể để phá trại. Thứ hai là do cơ sở quá tải, đối với cơ sở vật chất tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang chỉ tiếp đón 350, nhưng hiện tại có hơn 600 học viên đang cai nghiện. Thứ ba là công tác rà soát trước khi vào cơ sở cai nghiện, nhiều địa phương muốn làm trong sạch địa bàn, người không đủ điều kiện cũng đưa vào cơ sở. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo vì sao vụ việc lặp đi lặp lại mà chúng ta không giải quyết được. Trước hết, công tác kiểm tra cần tập trung vào quy trình rà soát đưa người nghiện vào cơ sở.

Theo ông Đoàn Hữu Bảy, hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chưa có biện pháp nào hiệu quả nhất ngoài dự phòng và tuyên truyền. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền có thể vừa giảm cung vừa giảm cầu. Như dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của dịch bệnh. Đây không phải là biện pháp mới nhưng hiệu quả nhất trong các biện pháp, cần triển khai tập trung.

Top