"Giảm nhiệt" chảo lửa ma túy vùng Tây Bắc

08/06/2020 10:48

Mộc Châu, Vân Hồ vốn được mệnh danh là “chảo lửa” ma túy vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhờ áp dụng đồng bộ các biên pháp, tình hình hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ đã được kiểm soát.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La

Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động với chủ đề “Phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy”, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La.

Ông có thể cho biết tình hình hoạt động của tội phạm ma túy ở khu vực biên giới tỉnh Sơn La trong những tháng đầu năm?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, lực lượng BĐBP đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai 48 chốt chặn trên biên giới, với cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch kết hợp nắm tình hình, đấu tranh với hoạt động của các loại tội phạm. Phía ngoại biên đối diện các lực lượng chức năng của Lào cũng tổ chức thành lập các chốt phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Do đó, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy đã giảm so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020 BĐBP tỉnh Sơn La trực tiếp và phối hợp với các lực lượng bắt giữ 72 vụ, 96 đối tượng, giảm 23 vụ, 34 đối tượng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do nguồn "cung" khan hiếm nhưng nguồn "cầu" tăng mạnh nên các đối tượng vẫn thường xuyên tìm cách móc nối, giữ liên lạc với nhau để chờ thời cơ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới vào nội địa tiêu thụ; hoạt động mua bán ma túy nhỏ lẻ để sử dụng hoặc bán lẻ giữa các đối tượng ở nội địa với các đối tượng ở khu vực biên giới vẫn diễn biến phức tạp.

Mộc Châu, Vân Hồ được coi là “chảo lửa” ma túy vùng Tây Bắc. Hiện nay tình hình hoạt động của tội phạm ma túy tại những nơi này như thế nào, thưa ông?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Từ năm 2017 trở về trước tình hình, hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang ở khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ diễn biến phức tạp; các đối tượng tổ chức thành các toán từ 3-5 đối tượng (trang bị vũ khí quân dụng như: súng AK, K54, K59, lựu đạn…) hoặc thuê người để vận chuyển ma túy. Chúng đi tắt qua các khu rừng, vượt biên giới qua dãy núi Pha Luông vào các bản người Mông giáp biên giới của Việt Nam, sau đó vận chuyển ma túy vào sâu trong nội địa.

Từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 892/KH-BTL ngày 26/3/2018 của Bộ Tư lệnh BĐBP về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La tần xuất hoạt động của các toán nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang đã giảm hẳn.

Trong năm 2019 có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nòng cốt, chuyên trách là lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Sơn La đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng cho nên hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới đã được kiểm soát hoàn toàn. Các đối tượng tội phạm ma túy đã chuyển hướng hoạt động về các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 quá trình tiến hành các biện pháp công tác nghiệp vụ và tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới chưa phát hiện thấy các hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới nhưng đã phát hiện một số dấu vết qua lại biên giới nghi vấn là hoạt động của các đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang từ bản Pưng, khu Pa Háng - Huổi Hiềng qua biên giới sườn Nam điểm cao 1549 Pha Luông về bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ.

Hiện lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Sơn La đang điều tra, xác minh làm rõ. Có thể thấy, hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới Mộc Châu, Vân Hồ đang tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trở lại.

Chính vì vậy, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP Sơn La với các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ thì nguy cơ các đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới sẽ hoạt động trở lại trên địa bàn này. 

BĐBP Sơn La phá thành công chuyên án SL320 bắt giữ một đối tượng cùng 10 bánh heroin, 7 kg nhựa thuốc phiện vào ngày 11/3

Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ngăn chặn tội phạm

Ông có thể cho biết rõ hơn những giải pháp mà BĐBP Sơn La đã triển khai để “hạ nhiệt” những điểm nóng ma túy này?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Trong 2 năm qua, BĐBP tỉnh Sơn La đã triển khai kế hoạch số 167/KH-BCH ngày 21/1/2019; Kế hoạch số 352/KH-BCH ngày 08/02/2020 về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Trên cơ sở đó, đã tăng cường lực lượng đặc nhiệm và trinh sát Phòng chống ma túy và tội phạm triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, lấy biện pháp trinh sát làm mũi nhọn, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng từ xa, từ ngoài biên giới; tích cực tuần tra, kiểm soát thường xuyên các đường mòn lối mở, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên biên giới. Thành lập 13 chốt với 46 cán bộ, chiến sĩ vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy.

Đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị cùng với BĐBP triển khai đồng bộ các biện pháp công tác; tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân 4 xã biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ không tiếp tay, không bao che cho tội phạm ma túy; tranh thủ các trưởng bản, trường dòng họ và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở khu vực biên giới ủng hộ và tham gia tích cực phong trào đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng khoa học công nghệ, phương tiện kỹ thuật tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh các đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới.

BĐBP Sơn La cũng phối hợp với Công an tỉnh Sơn La triển khai thực hiện Phương án 279 về phối hợp giữa Công an tỉnh và BĐBP tỉnh trong đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La; Kế hoạch phối hợp số 2739/KH-BCH ngày 20/11/2019 về phối hợp với Công an tỉnh Sơn La đấu tranh phòng, chống ma túy qua biên giới Sơn La - Hủa Phăn, Luông Pha Băng (CHDCND Lào).

Từ năm 2019 đến nay, tình hình hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ đã được kiểm soát. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới được ổn định; quần chúng nhân dân an tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.  

Vậy trong thời gian tới, BĐBP Sơn La sẽ triển khai, tăng cường những biện pháp nào để ngăn chặn tội phạm ma túy tại khu vực biên giới có hiệu quả hơn nữa?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Trước tiên, chúng tôi tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các dự án, chương trình, mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới nhất là các "vùng lõm" trên tuyến Mộc Châu, Vân Hồ như: Xây dựng đường tuần tra biên giới; quy hoạch các cụm dân cư biên giới; quy hoạch phát triển du lịch trải nghiệm khu vực đỉnh núi Pha Luông; mô hình trồng cây chanh leo trên đất dốc... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị cùng với BĐBP triển khai đồng bộ các biện pháp công tác; tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân ở khu vực biên giới không tiếp tay, không bao che cho tội phạm ma túy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.

Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là đối với lực lượng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) và lực lượng Công an tỉnh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, nhất là thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ; sử dụng khoa học công nghệ và phương tiện kỹ thuật hiện đại để điều tra, xác minh làm rõ hoạt động của tội phạm ma túy; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm ma túy không để bị động bất ngờ. Hợp tác chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang trong đấu tranh với tội phạm ma túy ở ngoại biên, kịp thời ngăn chặn tội phạm từ xa, từ ngoài biên giới.

Xây dựng lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Sơn La vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy và tội phạm là người dân tộc thiểu số; tăng cường đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, chiến sĩ về vị trí, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Top