UNODC khuyến nghị 'vaccine' phòng ngừa ma túy cho Việt Nam

26/06/2021 09:00

(Chinhphu.vn) – Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đánh giá cao nỗ lực phòng chống ma túy của Chính phủ Việt Nam trên cả 3 mặt: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, đồng thời đưa ra 6 đề xuất cho công tác này.

 Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang

Nhân Ngày Quốc tế phòng chống ma túy, Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam.

Tội phạm ma túy nhanh chóng thích nghi trong đại dịch

UNODC đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, thưa bà?

Bà Nguyễn Nguyệt Minh: Có thể nói rằng thị trường ma túy tại khu vực Đông Nam Á không bị suy chuyển trước tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đại dịch làm chậm lại và tác động không nhỏ tới các hoạt động thương mại hợp pháp qua biên giới, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đã nhanh chóng thích nghi và mở rộng thị trường.

Theo như báo cáo mới đây của UNODC về tình hình ma túy tổng hợp trong khu vực, lượng methamphetamine bị thu giữ trong khu vực là khoảng 170 tấn, tăng 19% so với 142 tấn bị thu giữ trong năm 2019.

Xu hướng này cũng xảy ra tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có các biện pháp quản lý biên giới chặt chẽ. Số lượng người sử dụng methamphetamine có hồ sơ quản lý tăng 9 lần từ năm 2016 đến năm 2020.

Có thể thấy sự thay đổi rõ ràng về các đường dây buôn bán ma túy bất hợp pháp trong khu vực. Từ năm 2019, để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật tại các khu vực biên giới ở Myanmar và Thái Lan, các đối tượng tội phạm đã thay đổi tuyến đường vận chuyển. Các loại ma túy bất hợp pháp như methamphetamine, amphetamine và heroin vận chuyển qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, điều này cho thấy Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là điểm trung chuyển đến nước thứ ba. Điển hình như tháng 9/2020, Việt Nam đã thu giữ 237 kg ma túy ngụy trang trong các pho tượng gỗ được gắn định vị tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Thành phố Hồ Chí Minh. Số ma túy này được vận chuyển từ thủ đô Vientiane về Việt Nam để giao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

UNODC đánh giá như thế nào về nỗ lực phòng chống ma túy của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt vừa qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bằng việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)?

Bà Nguyễn Nguyệt Minh: Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy thông qua các cơ chế hợp tác đa phương về quản lý biên giới. Thông qua cơ chế hợp tác này, Việt Nam đã phá được nhiều chuyên án lớn. Gần đây, Việt Nam đã phối hợp cùng Đài Loan (Trung Quốc) bắt giữ 270 kg ma túy giấu trong dạ dày lợn, mô tơ điện được vận chuyển từ Campuchia sang Thành phố Hồ Chí Minh rồi chuyển sang các nước khác qua đường bộ và đường hàng không. Các hoạt động như vậy cần được phát huy trong thời gian tới.

Về công tác giảm cầu và giảm hại, hiệu quả tích cực của chương trình điều trị thay thế dạng thuốc phiện và các can thiệp quy mô khác của Việt Nam ví dụ như chương trình bơm kim tiêm, bao cao su cho những người tiêm chích ma túy đã được ghi nhận rộng rãi.

Đối với người sử dụng ma túy tổng hợp, chúng tôi thấy các bộ, ban ngành Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế, đã có những bước tiến đầu tiên có triển vọng trong công tác điều trị và giảm hại đáp ứng với các chất ma túy mới này. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ và hạn chế so với nhu cầu thực tế của cộng đồng.

Cũng trong năm 2020 và 2021, Việt Nam đã tham vấn sửa đổi các điều luật cơ bản bao gồm Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy. Với sứ mệnh của mình, UNODC cùng các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc đã tích cực tham gia vào quá trình sửa đổi luật quan trọng này. Có thể nói, Luật Phòng chống ma túy đã có những thay đổi đáng kể như định nghĩa rõ ràng hơn về việc sử dụng ma túy và nghiện ma túy (lệ thuộc ma túy) nhằm có sự phân biệt rõ ràng về các can thiệp toàn diện. Hay trước đây, các quy định về can thiệp giảm hại chưa được quy định cụ thể thì hiện nay đã được định nghĩa rõ ràng hơn… Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một số điều khoản luật cũng cần phù hợp hơn nữa với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

 Lực lượng chức năng Việt Nam thu giữ ma túy nhét trong dạ dày lợn cấp đông. Ảnh: Hoàng Giang

Đẩy mạnh các biện pháp toàn diện giảm cung, giảm cầu, giảm hại

UNODC có thể đề xuất một số giải pháp để hình thành “vaccine” hữu hiệu phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy cho Việt Nam, thưa bà?

Bà Nguyễn Nguyệt Minh: Thứ nhất, ma túy là một vấn đề phức tạp đòi hỏi chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp toàn diện từ giảm cung, đến giảm cầu và giảm hại.

Trước hết, có thể thấy rằng thị trường ma túy bất hợp pháp tại Việt Nam đã dịch chuyển từ các chất dạng thuốc phiện sang ma túy tổng hợp với sự nổi lên của các chất hướng thần mới. Tuy nhiên, các loại này lại chưa được cập nhật trong hệ thống pháp luật, điều này gây khó khăn cho công tác giám định. Do đó, cần tập trung vào các biện pháp quản lý biên giới (bao gồm cả khu vực hàng hải) nhằm kiểm soát nguồn cung ma túy ngay từ cửa ngõ.

Thứ hai, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để vận chuyển ma tuý và tiền chất vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế trong công tác chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Việt Nam đã tham gia cơ chế Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) với sự hỗ trợ từ UNODC. Hiện đã có 21 Văn phòng BLO được thành lập tại các cửa khẩu biên giới đất liền trong nước, cùng với 4 Đơn vị Kiểm soát cảng (PCU) thiết lập tại 4 cảng quốc tế thông qua Chương trình Quản lý Biên giới và chương trình Kiểm soát Container của UNODC.

Chúng tôi hy vọng rằng các đơn vị Kiểm soát cảng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động tại các sân bay quốc tế của Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong kiểm soát vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không.

Thứ ba, Việt Nam cũng cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng của chương trình điều trị thay thế dạng thuốc phiện (OST), bao gồm đa dạng hoá các hình thức điều trị (thuốc điều trị) hoặc đa dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ trong bối cảnh bình thường mới, như việc cấp thuốc nhiều ngày mang về nhà.

Thứ tư, cần mở rộng phạm vi hoạt động điều trị tự nguyện và dựa vào cộng đồng, giảm hại cho người sử dụng ma túy hoặc lệ thuộc vào ma túy tổng hợp dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và bằng chứng khoa học.

Thứ năm, cần thí điểm và mở rộng phạm vi các biện pháp can thiệp dự phòng cho người sử dụng và lạm dụng ma túy phù hợp với các khuyến cáo quốc tế. Đây là một lĩnh vực mới ở Việt Nam nhưng chúng tôi thấy rằng đây là một cơ hội tốt để thử nghiệm và áp dụng các cách tiếp cận mới đã được chứng minh ở các khu vực và quốc gia khác.

Cuối cùng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật theo hướng quản lý nguồn cung chặt chẽ, nhưng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình điều trị lệ thuộc vào ma túy dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và bằng chứng khoa học.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Top