Nỗ lực kéo giảm tỉ lệ người nghiện ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số

21/06/2021 17:30

Hiện nay, tỷ lệ người nghiện ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số định cư ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An vẫn còn cao. Thực trạng đó tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và BĐBP Nghệ An đang triển khai đồng bộ các biện pháp để kiềm chế, kéo giảm số người nghiện ma túy trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy

Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Mặc dù thời gian qua, BĐBP và các lực lượng chức năng đã tổ chức đấu tranh quyết liệt, tuy nhiên, tội phạm ma túy xuyên quốc gia vẫn hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Chúng tìm cách vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào vào Việt Nam và đi các nước khác tiêu thụ. Không chỉ tội phạm ma túy, Nghệ An cũng là địa phương có tỷ lệ người nghiện ma túy cao của cả nước. Trong đó, người nghiện ma túy thuộc đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện miền núi của tỉnh vẫn còn cao.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, năm 2020, toàn tỉnh có 5.048 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, các huyện miền núi như Kỳ Sơn có 667 người, Tương Dương có 574 người, Quế Phong có 545 người... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế, số người nghiện ma túy ở các địa phương thuộc phía Tây Nghệ An có thể còn cao hơn nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nghiện ma túy ở các địa phương phía Tây Nghệ An chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, có thể kể đến yếu tố lịch sử, bởi trước đây, người dân ở đây có thói quen trồng và sử dụng thuốc phiện. Đến nay, việc trồng cây thuốc phiện đã bị xóa bỏ, nhưng hoạt động buôn bán các chất ma túy vào địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn cung ma túy khó kiểm soát, trong khi đó, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, họ chưa hiểu hết được tác hại của ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội nên dễ bị lôi kéo sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Số lượng người nghiện ma túy ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An chiếm tỷ lệ cao đang tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trước thực tế đó, Nghệ An xác định kéo giảm tỷ lệ người nghiện ma túy, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng.

Trước đây, công tác cai nghiện cho những người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và ở các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh nói riêng được thực hiện bằng hai hình thức cơ bản là cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm. Tuy nhiên, qua triển khai thực tế, cả hai biện pháp trên không thực sự hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện còn cao. Khi những biện pháp cai nghiện ma túy “truyền thống” gặp nhiều khó khăn, năm 2012, Nghệ An đã đưa vào thí điểm điều trị ma túy bằng Methadone trên cơ sở tự nguyện. Điểm khám, cấp phát thuốc đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh ở thành phố Vinh. Biện pháp điều trị này nhanh chóng khẳng định được lợi thế, khi có khá đông bệnh nhân nghiện ma túy ở địa bàn thành phố Vinh và các vùng lân cận như huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên, Yên Thành, Hoàng Mai... đăng ký tham gia.

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã triển khai xây dựng 12 cơ sở điều trị, 19 điểm cấp phát Methadone vệ tinh rải đều ở các địa bàn trọng điểm có số người nghiện ma túy cao, trong đó, có những điểm được tổ chức tại các trạm y tế của xã vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, tại các huyện có tỷ lệ người nghiện ma túy cao như: Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong đều có 1 cơ sở điều trị và 2 điểm cấp phát thuốc Methadol cho người nghiện ma túy. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các bệnh nhân phải uống Methadone hằng ngày tại các trung tâm nên mất nhiều thời gian đi lại, dẫn đến dễ bỏ điều trị giữa chừng. Methadone là một dạng chất gây nghiện nên công tác bảo quản, bảo vệ cũng đòi hỏi rất cao, trong lúc nhân lực tại các cơ sở y tế xã, phường còn mỏng.

Do vậy, trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các đơn vị của BĐBP Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chung sức đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn biên giới. Trong đó, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới. Công tác này được triển khai thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền tập trung, vận động từng hộ gia đình ký cam kết không tiếp tay cho hoạt động buôn bán trái phép chất ma túy.

Các đồn Biên phòng cũng phối hợp với công an các xã biên giới lập danh sách, quản lý chặt chẽ đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình vận động những người nghiện ma túy đi cai nghiện và hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với việc nâng cao ý thức cho người dân, các đơn vị của BĐBP Nghệ An tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, triệt xóa các đường dây, tổ chức, các tụ điểm cung cấp ma túy vào địa bàn. Qua đó, ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn biên giới.

Quá trình triển khai cho thấy, công tác đẩy lùi tệ nạn ma túy, kéo giảm tỷ lệ người nghiện ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thiết nghĩ, cùng với những biện pháp đã triển khai, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tập trung tạo sinh kế, nâng cao đời sống về mọi mặt cho người dân. Đây sẽ là biện pháp căn cơ nhất để đẩy lùi tệ nạn, giảm thiểu người nghiện ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An.

Top