Hải quan kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tiền chất

20/09/2021 17:03

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy đã quy định rõ vai trò của các bộ ngành, cơ quan trong kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập và quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Hải quan.

Lực lượng Hải quan phối hợp bắt giữ hơn 500 kg ma túy ketamine tại TPHCM ngày 11/5/2019

Điều 21 dự thảo quy định: Lực lượng Hải quan nơi có hàng nhập khẩu, xuất khẩu có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục hải quan, thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện hàng nhập khẩu, xuất khẩu không đúng với nội dung giấy phép, lực lượng Hải quan cửa khẩu tạm dừng các thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; đồng thời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo ngay cho các cơ quan cấp phép và Bộ Công an để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.

Đối với kiểm soát việc giao, nhận và vận chuyển hàng nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, Điều 22 dự thảo quy định: Lực lượng Hải quan có trách nhiệm giám sát hàng từ khi tạm nhập đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tạm xuất, tái nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Việc thay đổi mẫu mã, bao bì của hàng tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập phải được sự đồng ý của Bộ Công thương và giám sát của lực lượng Hải quan.

Về kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Điều 23 dự thảo quy định: Lực lượng Hải quan có trách nhiệm giám sát hàng từ khi tạm nhập đến khi tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tạm xuất, tái nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Việc thay đổi mẫu mã, bao bì của hàng tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập phải được sự đồng ý của Bộ Công thương và giám sát của lực lượng Hải quan.

Trong quá trình làm thủ tục tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập khi phát hiện những sai phạm không đúng với nội dung được quy định trong giấy phép, lực lượng Hải quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo cho Bộ Công an và Bộ Công thương để phối hợp quản lý, kiểm soát và xử lý.

Ngoài ra, đối với kiểm soát hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi hàng vận chuyển quá cảnh đi qua phải làm đầy đủ thủ tục hải quan, thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng vận chuyển quá cảnh theo quy định của pháp luật.

Nếu thời gian hoàn thành thủ tục hải quan kéo dài, hàng vận chuyển quá cảnh phải được gửi tại kho của cơ quan Hải quan theo quy định. Trường hợp phát hiện thay đổi niêm phong hoặc thay đổi nguyên trạng hàng vận chuyển quá cảnh, Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi hàng vận chuyển quá cảnh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tạm dừng các thủ tục hải quan, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng.

Siết chặt việc kiểm soát tiền chất

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động xuất nhập khẩu các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình 10%/năm. Điều này cho thấy các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiến chất, chất gây nghiện, hướng thần nhằm phục vụ, phát triển kinh tế - xã hội vẫn diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và y tế tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu nhận định, vấn đề quản lý tính hai mặt của các loại tiền chất này đang đặt ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý chức năng nói chung và ngành Hải quan nói riêng. Theo đó, vừa phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng hợp pháp tiền chất phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa phải kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy, đặc biệt là các loại tiền chất có nguy cơ lạm dụng cao vào việc điều chế ma túy tổng hợp.

Trong khi đó, theo quy định, việc cấp phép nhập khẩu các loại tiền chất thuộc thẩm quyền của các bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Y tế… Ngành Hải quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát ở khâu nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, còn việc kiểm soát trong nội địa lại thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành và lực lượng chức năng khác.

Qua công tác kiểm tra, giám sát của ngành Hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất trong thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy chủ yếu là vi phạm hành chính với các hành vi như: Nhập khẩu không có giấy phép, nhập khẩu vượt quá số lượng tiền chất xin cấp phép, ngày cấp phép sau ngày thông quan hàng hóa…

Để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan tới ma túy, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành các kế hoạch tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong ngành Hải quan; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04)- Bộ Công an; Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế; Cục Hóa chất - Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất.

Cụ thể, dựa trên dữ liệu xuất nhập khẩu tiền chất trong toàn ngành qua hệ thống thông tin nghiệp vụ Hải quan, Tổng cục Hải quan đã thống kê, phân tích, đánh giá, phân loại các DN trọng điểm, có dấu hiệu vi phạm để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành thành viên Tổ công liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thuộc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị Hải quan, DN thực hiện tốt công tác xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Để chống nhập lậu và sử dụng tiền chất sai mục đích, các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp. Tăng cường kiểm tra, kiếm soát ở khâu sản xuất, tiêu thụ đúng mục đích, đối tượng; cấp phép đúng năng lực sản xuất của DN, định mức tiêu hao nguyên liệu.Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên cập nhật các loại tiền chất trong danh mục quản lý của Chính phủ.

Hoàng Giang

Top