Kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy

21/06/2020 09:34

Quyết tâm của người đứng đầu Bộ Công an được thể hiện rõ nét khi kịp thời tham mưu lãnh đạo Đảng, Chính phủ ban hành các chủ trương, giải pháp phòng chống ma túy cả ở tầm vĩ mô và vi mô, cả cấp bách và lâu dài. Đây cũng là mệnh lệnh tiên quyết của lực lượng phòng chống ma túy các cấp. * Quyết tâm ‘chặn dòng’ ma túy vào nội địa *

Philippines thu giữ 276 kg ma túy đá từ nguồn tin của Bộ Công an Việt Nam

Quyết tâm của vị Tư lệnh ngành

“Lực lượng Công an đã dự báo được tình hình và có giải pháp trấn áp quyết liệt để ngăn chặn nguồn ma túy đi vào nước ta. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với các biện pháp đồng bộ, Việt Nam sẽ không trở thành địa bàn trung chuyển của thế giới”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định như vậy trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vào tháng 6/2019.

Tiếp đó, tháng 11/2019, tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm này. Theo đó, Bộ Công an luôn xác định tội phạm ma tuý là “tội phạm của các loại tội phạm”, nên đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt đấu tranh.

“Qua các chuyên án, vụ án lớn thời gian qua cho thấy, các đường dây ma tuý mới hoạt động đã bị chúng ta phát hiện, bắt giữ, điều đó cho thấy thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng chống tội phạm ma tuý vẫn đang rất hiệu quả. Chúng ta bước đầu ngăn chặn việc trở thành địa bàn trung chuyển, dứt khoát Việt Nam không thể trở thành địa bàn trung chuyển về ma túy”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Đứng trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy không ngừng diễn biến phức tạp với hơn 235.000 người nghiện có hồ sơ quản lý; các đường dây tội phạm ma túy quốc tế không ngừng đẩy mạnh hoạt động…quyết tâm của vị tư lệnh ngành Công an thể hiện rõ nét khi kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo Đảng, Chính phủ ban hành các chủ trương, giải pháp phòng chống ma túy cả ở tầm vĩ mô và vi mô, cả cấp bách và lâu dài.

Năm 2019, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/08/2019 về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý” với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy; xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nước; ngăn chặn hiệu quả nguồn ma túy chuyển lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế...

Một số điểm trọng tâm, mấu chốt trong quan điểm về phòng, chống và kiểm soát ma túy được thể hiện trong Chỉ thị 36 như: Chính sách phòng, chống ma túy phải đặt trong bối cảnh chung của khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy...

Đồng thời, Bộ Công an cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36 nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo, những điểm mới rất quan trọng của Chỉ thị.

Nhằm khẩn trương tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về pháp luật, củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới, Bộ Công an đã chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy năm 2000, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020).

Việc sửa đổi luật nhằm nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Đồng thời, sửa đổi luật để quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Yêu cầu mở rộng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy cũng được đặt ra khi sửa đổi luật với mục đích là ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các trưởng đoàn, Bộ trưởng các nước, đối tác dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại Hà Nội ngày 10/9/2019

Tạo thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá

Trong công tác đấu tranh, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình, sự chuyển hướng hoạt động của tội phạm ma túy. Từ việc dự báo chính xác tình hình, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc, chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai các giải pháp nghiệp vụ theo sự chuyển hướng hoạt động của tội phạm ma túy với phương châm “không đánh khúc giữa”, bắt giữ cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu.

Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng Công an còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác, đặc biệt là hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy.

Bốn lực lượng chủ công: Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển đã phối hợp tạo “quả đấm thép” trấn áp, thể hiện rõ nét qua kết quả bóc gỡ những đường dây, sào huyệt lớn, triệt xóa những “chảo lửa” ma túy ở biên giới.

Đặc biệt, trước việc xuất hiện ngày càng nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, Bộ Công an Việt Nam đã và đang tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương về phòng, chống ma túy theo chiều sâu với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, các nước ASEAN, các quốc gia có chung đường biên giới, Cơ quan phòng, chống ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP)…

Trên cơ sở những thông tin chia sẻ của các nước đối tác, các nước có chung đường biên giới, Bộ Công an tiến hành phối hợp, tổ chức nhiều đợt đồng loạt tấn công tội phạm ma túy và quyết tâm không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy, triệt phá thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp, phần lớn trong số đó được xác định sẽ tiếp tục chuyển ra nước ngoài; bắt giữ hàng chục đối tượng chủ mưu, cầm đầu các băng nhóm tội phạm ma túy lớn. Điều này, đã khẳng định được vai trò quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới hiện nay.

Điển hình như ngày 22/3/2019, sau khi đấu tranh triệt phá chuyên án, bắt giữ các đối tượng cất giấu ma túy vào container hạt nhựa xuất đi nước ngoài, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã thông báo nguồn tin cho Philippines, lực lượng chức năng Philippines đã kiểm tra container từ cảng Cát Lái (TPHCM) cập cảng Manila (Philippines), thu giữ 276kg ma túy “đá”. Tổng thư ký Cơ quan quốc gia phòng, chống ma túy Philippines đã gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.

Ngày 6/8/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các đơn vị, địa phương và Công an Trung Quốc phá chuyên án, triệt phá cơ sở sản xuất ma túy tại huyện thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum do người Trung Quốc cầm đầu; bắt 8 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng người Trung Quốc; thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt có thành phần methamphetamine (ma túy “đá”); trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại; khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy.

Tiếp đến ngày 3/11/2019 tại TPHCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an TPHCM, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) đấu tranh thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Hà Tấn Ban, SN 1980, trú tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, thu giữ 446 bánh heroin.

Nhằm phát huy vai trò Chủ tịch đương nhiệm ASEAN về phòng, chống ma túy, tháng 9/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng Tô Lâm đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Đây là một cơ chế hợp tác bất thường được nhóm họp trước diễn biến phức tạp, khó lường của tội phạm ma túy, cảnh báo nguy cơ, thách thức mới, đòi hỏi các nước chung tay cùng Việt Nam và vì chính mình đối phó với hiểm họa ma túy.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng, trong đó nhấn mạnh: Các nước khu vực tiếp tục nâng cao vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia; chủ động đẩy mạnh các đợt truy quét tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên diện rộng, tập trung vào các tuyến biên giới, tuyến vận chuyển ma túy và tiền chất trọng điểm từ khu vực Tam giác Vàng; nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin, phối hợp điều tra trấn áp tội phạm ma túy với cơ quan phòng, chống ma túy các nước và các đối tác…

Nguy cơ tiềm ẩn về ma túy rất lớn

Tuy vậy, nguy cơ tiềm ẩn ma túy còn nhiều, nhiều đường dây ma túy đang có “ý đồ” lợi dụng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển, một số đường dây lớn chưa được bóc gỡ triệt để, biên giới trải dài, hiểm trở trong khi lực lượng chuyên trách đấu tranh mỏng, thiếu trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nên kiểm soát rất khó khăn.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2020, số vụ vi phạm pháp luật về ma túy tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng chủ yếu là các vụ ma túy nhỏ lẻ; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm.

Tuy nhiên, cùng với việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế, dự báo hoạt động của tội phạm ma túy có xu hướng “bung ra” sau thời gian bị kìm nén, đặc biệt, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, xuyên quốc gia sẽ có xu hướng gia tăng hoạt động trở lại, vì vậy công tác hợp tác quốc tế là rất quan trọng.

Hơn nữa, trong cùng một thời điểm, lực lượng chuyên trách quân số mỏng chỉ có thể dồn sức, căng mình đấu tranh ở một vài điểm nóng, khó có thể dàn quân đánh mạnh trong cả nước. Bởi “bóp chỗ này lại phình chỗ kia”, siêu lợi nhuận của ma túy thì chỗ nào an toàn đối tượng sẽ lợi dụng hoạt động, nên không thể lơ là phòng ngừa xã hội.

Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại là ba trụ cột chính trong công tác phòng, chống ma túy, nếu chỉ tập trung đấu tranh với tội phạm ma túy sẽ không thể “hạ nhiệt” hiệu quả, bởi giải pháp bền vững còn phải chú trọng phòng ngừa, kêu gọi toàn xã hội tích cực chung tay. Cuộc chiến chống ma túy rất gian khổ, ác liệt, không chỉ của một ngành công an mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng gia đình…

Top