10.200 ca mắc mới HIV trong 9 tháng đầu năm
(Chinhphu.vn) - Việt Nam ước tính hiện có khoảng 249.000 người nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 10.200 ca mắc mới, trong đó có tới 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức chiều 9/11, tại Hà Nội.
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới trong phòng chống HIV. Đặc biệt là sự dịch chuyển về đường lây truyền bệnh và tỉ lệ trẻ hóa người nhiễm HIV gia tăng.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS hiện nay Việt Nam ước tính khoảng 249.000 người nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 10.200 ca mắc mới. Đáng chú ý, đường lây truyền HIV có thay đổi, từ lây truyền qua máu là chủ yếu hiện nay đường lâu truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu.
ThS Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỉ lệ người nhiễm HIV đang trẻ hóa. Cụ thể, người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 16-29 tăng từ 37,2 năm 2019 tăng lên 48,7% năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm ghi nhận 47,3% người nhiễm ở độ tuổi này.
Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV mới chủ yếu nằm ở nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 49%, trong khi đối tượng nghiện chích ma túy chỉ chiếm 6%, người hành nghề mại dâm chiếm 0,5%.
"Đường lây truyền bệnh đã có sự thay đổi, nguy cơ tăng dịch HIV, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, xu hướng dịch tăng rõ rệt ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và cảnh báo tăng ở các nhóm khác.
Bên cạnh đó, gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (sử dụng chất khi quan hệ tình dục), quan hệ tình dục tập thể,… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó. Trong khi đó, hiện nay người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng", ông Đức cho hay.
Để tiếp cận với những nhóm nhiễm HIV mới, nhiều tổ chức xã hội cũng tổ chức các chương trình truyền thông, tư vấn HIV. Trong đó, có nhóm cộng đồng người chuyển giới nữ (VENUS), hay các phòng khám dành cho cộng đồng LGBT, cung cấp PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV),… giúp những người trong cộng đồng nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế.
Tại buổi họp báo, TS Eric Dzuiban, Giám đốc quốc gia, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, chủ đề năm nay của Việt Nam là "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" nêu rất rõ nhu cầu hiện nay trong công cuộc ứng phó với HIV ở Việt Nam và trên thế giới, đó là "hãy để cộng đồng dẫn lối".
Theo ông Eric Dzuiban, kể từ khi ca HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam năm 1990 cho đến khi lần đầu tiên người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus năm 1997, đã có nhiều tiến bộ khoa học về HIV.
HIV từng coi là bản án tử hình, nhưng giờ đây đã có thể coi là một bệnh mãn tính, cho phép người nhiễm có thể sống trọn vẹn, hạnh phúc nếu tham gia điều trị an toàn.
Bên cạnh đó, cộng đồng cần tiếp tục thay đổi nhận thức về căn bệnh HIV/AIDS, bởi nếu tiếp tục phân biệt đối xử kỳ thị đối với người nhiễm HIV sẽ là rào cản đối với mục tiêu hướng tới chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong năm 2023, hơn 2 triệu người đã được xét nghiệm HIV. Hơn 1.300 cơ sở y tế triển khai xét nghiệm sàng lọc, hình thức xét nghiệm dựa vào cộng đồng diễn ra tại 33 tỉnh. Đặc biệt, quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt "Đề án duy trì và mở rộng cấp thuốc Methadone nhiều ngày" cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đã giúp cho hơn 50.000 bệnh nhân nhiễm HIV hiện được điều trị bằng thuốc Methadone thường xuyên, hiệu quả. Cùng với đó là nhiều kết quả khác trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS giúp duy trì bền vững các kết quả phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Thùy Chi