18/20 ca mắc đậu mùa khỉ điều trị tại TPHCM nhiễm HIV

25/10/2023 08:53

(Chinhphu.vn) - Trên địa bàn TPHCM hiện ghi nhận 20 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, nhiều bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra.

18/20 ca mắc đậu mùa khỉ điều trị tại TPHCM nhiễm HIV - Ảnh 1.

Sở Y tế thành phố nhận định, đây là những ca bệnh nội địa và hiện nay đang tăng cường các biện pháp tầm soát bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng. Ảnh minh họa

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã ghi nhận 20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Qua xét nghiệm, các chuyên gia y tế chẩn đoán có 18 ca (gồm 17 nam và 1 nữ) mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra (B20).

Qua sàng lọc bệnh, hầu hết bệnh nhân đều có diễn tiến sức khỏe khả quan. Tuy nhiên, có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi, mủ màng phổi đang dẫn lưu, nhiễm trùng da. Các bác sĩ đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên chưa thể nói trước được tiên lượng.

Trong các ca bệnh được ghi nhận, TPHCM chưa phát hiện yếu tố liên quan đến nước ngoài. Sở Y tế thành phố nhận định, đây là những ca bệnh nội địa và hiện nay đang tăng cường các biện pháp tầm soát bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng, tập trung vào nhóm nguy cơ đến khám tại các bệnh viện cũng như ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua cửa khẩu.

BS Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với người có triệu chứng, tiếp xúc trực tiếp da với da, tiếp xúc đối diện khoảng cách gần, chạm vào các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm như chăn gối, ga giường, khăn tắm...

Bác sĩ Thảo khuyến cáo bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp da với da, đối diện, hoặc miệng với da. Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, các bề mặt, chăn, ga gối đệm, khăn tắm và quần áo.

BS. Thảo khuyến cáo, nếu tiếp xúc với các bề mặt không rõ có nguy cơ lây nhiễm giọt bắn, dịch tiết từ người mắc đậu mùa khỉ hay không thì nên vệ sinh khử khuẩn tay kỹ.

Theo Sở Y tế TPHCM, trường hợp được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ khi có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…). Và có một trong nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; mệt mỏi.

Và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với người bệnh được xác định hoặc người bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có quan hệ với nhiều bạn tình.

Sở Y tế khuyến cáo những trường hợp có dấu hiệu và yếu tố dịch tễ như trên cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Cách phòng tránh đậu mùa khỉ:

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

- Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Thùy Chi

hiv
}
Top