Ma túy học đường: Mối hiểm họa khó lường

23/06/2021 14:05

Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy. Điều này tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội.

Loại ma túy mới tên Bromazepam ngụy trang trong gói nilông có dòng chữ 'Crispy Fruit Mango', còn gọi là nước xoài, trong chứa bột màu vàng

Ma túy "len lỏi" học đường

Ma túy gây hậu quả nghiêm trọng đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Trên thị trường hiện có khoảng 100 loại ma túy đang lưu hành trái phép. Chất gây nghiện này không chỉ làm hủy hoại sức khỏe, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại nhiều hệ hụy cho giới trẻ. Người nghiện ma túy sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng: chức năng thải độc giảm, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động; trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị đột tử.

Bởi vậy, bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy là một trong những thông điệp được đưa ra trong kế hoạch của Chính phủ về công tác phòng chống tác hại ma túy đối với học sinh, sinh viên nhiều năm nay.

Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy. Từ đó, mỗi các nhân, tập thể kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn không để xảy ra tệ nạn ma tuý xâm nhập vào trường học.

Thời gian gần đây, có nhiều biểu hiện hoạt động ma túy đã và đang quay trở lại “len lỏi” vào trường học. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, độ tuổi dưới 16 tuổi chiếm 0,1%; từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%; nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này lên đến 76%.

Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng  hợp  thuộc nhóm kích thích dạng amphetamine (amphetamine-typed stimulants/ATS) chiếm khoảng 70 - 80% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 80 - 90% trong tổng số người nghiện.

Ma túy đang ngày càng phổ biến bởi sự đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, sử dụng,… nhiều em từ 13-14 tuổi đã bắt đầu sử dụng ma túy. Hình thức mua bán, tàng trữ ngày càng tinh vi khiến gia đình, giáo viên và bạn bè khó phát hiện. Nguy hiểm hơn cả là ma túy tổng hợp, ma túy đá bởi rất phổ biến mà tính độc hại rất cao.

Đáng báo động, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất gây rối loạn tâm thần tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và các vụ án hình sự. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua, những đối tượng còn rất trẻ gây án trong trạng thái “ngáo đá”, mất kiểm soát tâm thần, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trong gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành và xã hội cần tiếp tục nâng cao, thường xuyên và mạnh mẽ hơn nữa để chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy.

 Một buổi tuyên truyền phòng chống ma túy dành cho học sinh

Giải pháp phòng chống ma túy trong học đường

Để ngăn chặn, đẩy lùi ma túy học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” (Kế hoạch 455). Kế hoạch do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký được gửi đến các Sở GD&ĐT, kèm Công văn 1898/BGDĐT-GDCTHSSV.

Kế hoạch này nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở hầu hết các địa phương, đơn vị.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, hệ thống các trường học tổ chức các hoạt động thi sáng tác ca khúc về đề tài phòng, chống ma túy; thi văn nghệ với chủ đề phòng, chống tệ nạn ma túy; cắm trại, lồng ghép hoạt động phòng, chống ma tuý với các hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Đồng thời, chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các chương trình học tập, sinh hoạt chính khoá, ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường. Các hoạt động này đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.

Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021, với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy.

Điểm mới trong chỉ đạo phòng chống ma túy của Thủ tướng Chính phủ năm nay là đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên: "Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung phòng chống ma túy vào chương trình và hoạt động của các cấp học".

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng kế hoạch số 455/KH-BGDĐT vừa được ban hành với những quy định rất chi tiết, cụ thể, từ phân công nhiệm vụ, cách thức, thời gian thực hiện…, được xem như là “cú đấm” trực diện vào hiểm họa ma túy – kẻ thủ ác vô hình đã và đang xâm nhập vào học đường. Kế hoạch số 455/KH-BGDĐT nếu được triển khai hiệu quả sẽ là tấm khiên hữu hiệu để “bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”.
Top