'Tầm nã' những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm

10/02/2021 09:39

Tính đến tháng 6/2020, còn 1.185 đối tượng truy nã về ma túy chưa bị bắt giữ, chủ yếu là bỏ trốn trong giai đoạn điều tra, hoặc lợi dụng việc tạm hoãn thi hành án để bỏ trốn. Hầu hết đây đều là số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm…

Công an Sơn La vây bắt các đối tượng truy nã  khi tấn công sào huyệt của "trùm" ma túy Nguyễn Thanh Tuân ở Lóng Luông từ ngày 26 đến 28/6/2018

Vàng A Khua, sinh năm 1956, trú tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là đối tượng phạm tội buôn bán, vận trái phép chất ma tuý (5 bánh heroin), đã bị Công an tỉnh Hoà Bình truy nã đặc biệt từ năm 2006.

Ngày 05/02/2010, khi y đang có mặt tại nhà, Công an tỉnh Hoà Bình đã tổ chức lực lượng vây bắt. Bị lực lượng công an bao vây, Vàng A Khua cố thủ trong nhà dùng súng AK bắn xối xả khiến Vàng A Của (con trai của Vàng A Khua) chết và 3 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn cho lực lượng vây bắt và nhân dân khu vực xung quanh, buộc lực lượng Công an phải nổ súng tiêu diệt đối tượng.

38 khẩu súng các loại gồm AK, Samplech, Cacbin, K54, K59, 08 quả lựu đạn, 15 ống giảm thanh, 14 ống ngắm súng tiểu liên, 31 hộp tiếp đạn, hơn 6.000 viên đạn các loại và nhiều vật chứng khác có liên quan đã được thu giữ tại hiện trường vụ tấn công sào huyệt của trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Kho vũ khí này cho thấy độ nguy hiểm của tên trùm ma túy khét tiếng - một đối tượng mang nhiều lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm. Ngoài ra, Cảnh sát cũng thu giữ nhiều súng đạn của nhiều tên tội phạm ma túy khác tại địa bàn này; tổng cộng gồm 49 khẩu súng quân dụng và gần 7.000 viên đạn.

Việc tội phạm ma túy, đặc biệt là các đối tượng truy nã công khai sử dụng súng, đạn đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân và chính quyền địa phương. Sau 3 ngày và 4 đêm (26-28/6/2018) vây ráp, 4 tội phạm ma túy (trong đó có trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân) đã bị tiêu diệt, 3 đối tượng khác đầu hàng; nhưng đó mới chỉ là một phần bởi nhà chức trách nhận định Lóng Luông còn là nơi ẩn nấp của hàng chục tội phạm và đối tượng truy nã khác...

Thượng tá Ngô Văn Hải, Phó Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhớ lại 2 trong số rất nhiều vụ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đối diện với hiểm nguy khi truy bắt các đối tượng truy nã phạm tội về ma túy.

Không như các loại tội phạm khác, hầu hết các đối tượng truy nã về ma túy sẽ tiếp tục tham gia hoặc thiết lập các đường dây ma túy mới với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn; đồng thời luôn manh động, quyết liệt dùng vũ khí nóng để chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ. Do đó, việc "tầm nã" các đối tượng ma túy bỏ trốn cũng là những cuộc đấu trí, đấu dũng và rất cam go, khốc liệt.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính đến tháng 6/2020, toàn quốc có 1.185 đối tượng có lệnh truy nã phạm tội về ma túy, tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố như: TPHCM, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ninh... Còn đối với đối tượng truy nã có yếu tố nước ngoài, hiện có khoảng 300 đối tượng chủ yếu là người nước ngoài phạm tội ở trong nước rồi bỏ trốn và người Việt Nam sau khi phạm tội trốn ra nước ngoài.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng và phát động sâu rộng phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm để xác minh, truy bắt song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số đối tượng truy nã về ma túy hàng năm luôn có hướng tăng cao.

Nhiều đối tượng truy nã từng cầm đầu các đường dây phạm tội về ma túy, khi đồng bọn bị bắt đã tìm cách che giấu hành vi phạm tội, thay tên đổi họ, sử dụng giấy tờ giả, mua chuộc, lôi kéo, thậm chí đe dọa, ép buộc người dân tham gia hoạt động chống đối, che giấu giúp chúng bỏ trốn khi bị phát hiện, truy bắt.

Nhiều đối tượng mặc dù đang lẩn trốn song vẫn tiếp tục móc nối với các đối tượng khác tại địa bàn hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng ma túy rất phức tạp, tính chất hoạt động rất manh động, chúng luôn tàng trữ các loại vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án ma túy của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đẩy lùi nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh đối tượng truy nã

Hạn chế phát sinh đối tượng truy nã, truy bắt các đối tượng truy nã để xử lý theo pháp luật là một nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài của lực lượng Công an.

Nhớ lại những lần bắt giữa đối tượng truy nã, Đại tá Trương Thọ Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Hà Nội cho rằng điều quan trọng là phải làm tốt công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với Cảnh sát khu vực, công an xã, phường, thị trấn; đồng thời chủ động trong công tác quản lý địa bàn, dân cư ở cơ sở để kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng truy nã phạm tội về ma túy.

Như trong vụ bắt giữ đối tượng truy nã Đặng Văn Hiếu, sinh năm 1967, trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vào ngày 13/01/2020. Đối tượng này thuộc diện truy nã đặc biệt nguy hiểm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội, can tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy.

Quá trình xác minh xác định, Đặng Văn Hiếu có lai lịch phức tạp, quê quán tại tỉnh Hưng Yên, đi xây dựng kinh tế mới tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, là lái xe hợp đồng tại Chi cục dự trữ quốc gia; sau khi gây án đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương nơi cư trú. Sau khi đối tượng bỏ trốn, tất cả gia đình, người thân của đối tượng cũng rời khỏi huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, không rõ đi đâu.

Qua nguồn tin do Công an thị trấn Hát Lót cung cấp: Đặng Văn Hiếu có chị gái tên Hằng, đã lấy chồng và chuyển về khu vực phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội làm nghề bán bảo hiểm. Xác minh nguồn tin trên, trinh sát phát hiện nơi ở của chị Hằng, đồng thời xác định được sau khi Hiếu bỏ trốn, chị Hằng đã chuyển bố, mẹ của Hiếu về mua nhà và sinh sống tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Trinh sát đã bí mật gặp gỡ quần chúng, lực lượng cán bộ cơ sở, tổ dân phố, xác định được Đặng Văn Hiếu dịp trước tết năm 2018 có về thăm bố, mẹ đẻ, đưa theo con nhỏ và kết hợp chữa bệnh. Đối tượng thường sử dụng taxi của một người đang thuê trọ trên địa bàn; trinh sát đã tiếp cận lái xe taxi và xác định được Hiếu đang trốn bên Campuchia (không rõ địa chỉ). Với các thông tin, tài liệu trên, trinh sát đã giám sát nhà ở của bố mẹ Hiếu; đồng thời, trao đổi thông tin để lực lượng Cảnh sát khu vực nắm và đón lõng đối tượng. Kết quả, ngày 13/01/2020, khi đối tượng Đặng Văn Hiếu xuất hiện ở nhà bố mẹ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, lực lượng chức năng đã tổ chức bắt giữ thành công.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, để hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới, nâng cao hiệu quả công tác xác minh, truy bắt đối tượng; khắc phục, tiến tới đẩy lùi một bước căn bản những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh đối tượng truy nã, cần nâng cao hiệu quả công tác điều tra xử lý tội phạm, quản lý giam giữ, thi hành án nhằm hạn chế “đầu vào” đối tượng truy nã. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu phải tiến hành truy bắt ngay, tránh để bỏ trốn gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Đồng thời duy trì phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài lực lượng công an đảm bảo thông tin về đối tượng truy nã được tiếp nhận, xử lý kịp thời. Đẩy mạnh phối hợp với lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cảnh sát khu vực, công an viên, dân phòng, bảo vệ dân phố tuần tra kiểm soát địa bàn, quản lý tạm trú, tạm vắng, đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là tại các quán bar, vũ trường, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ nhằm phát hiện, bắt giữ đối tượng truy nã.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia tố giác, truy bắt tội phạm, vận động đầu thú, đồng thời xử lý nghiêm hành vi che giấu, giúp sức cho đối tượng truy nã bỏ trốn.

Bên cạnh đó, yêu cầu hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm ma túy nói chung và công tác truy nã tội phạm ma túy nói riêng là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đòi hỏi phải đẩy nhanh việc xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về phòng chống ma túy và dẫn độ tội phạm với các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện công tác truy nã tội phạm ma túy, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm ma túy.

Top