Việt Nam trên đà tăng cường tự lực, tự chủ trong phòng, chống HIV/AIDS

12/02/2021 01:24

Trong bối cảnh nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm, Việt Nam đã kịp thời có những giải pháp tài chính để bù đắp, trong đó ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế đã tham gia vào công tác điều trị HIV/AIDS. Việc này thể hiện Việt Nam đang trên đà phát triển và tăng cường tự lực tự chủ trong lĩnh vực y tế.

 Tư vấn xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Hợp tác quốc tế - Điểm sáng quan trọng trong công tác phòng, chống

Hợp tác quốc tế là một trong những điểm sáng trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam suốt nhiều năm qua. Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Y tế và các bộ, ban ngành liên quan, nhờ đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và trở thành điểm sáng trong công tác này.

Nguyên Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2015 đã đánh giá: “Việt Nam nhiều năm qua luôn được thế giới ghi nhận như là điểm sáng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS”. Để có được thành công này, các tổ chức quốc tế đóng một vai trò quan trọng cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Cụ thể, thời gian qua công tác phòng, chống HIV/AIDS đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các tổ chức quốc tế như: Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Giám đốc Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét; Đại sứ Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/ AIDS... trong việc vận động chính sách và huy động kinh phí tài trợ cho Việt Nam.

Trong hành trình 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam phần lớn đến từ các nhà tài trợ quốc tế như Chính phủ Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật Bản... thông qua các chương trình, dự án quốc tế như PEPFAR, Quỹ Toàn cầu phòng, chống Lao, Sốt rét và HIV/AIDS; các tổ chức đa phương như UNAIDS, WHO, UNDP, UNICEF, UNODC, UNWOMEN, UNFPA; các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế như AHF, FHI360, PATH, ANRS, HAIVN, Abt Associate, Chemonics, SCMS,

Điển hình là Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam, UN bắt đầu có mặt ở Việt Nam từ những năm 1996 để hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với việc đặt văn phòng liên lạc tại cơ quan Bộ Y tế tại thời điểm đó. UN đóng vai trò quan trọng đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Với các tổ chức UNAIDS, WHO, UNDP, UNICEF, UNODC, UNWOMEN, UNFPA... hoạt động hỗ trợ tích cực trong 3 lĩnh vực chính.

Cụ thể, hỗ trợ xây dựng và vận động chính sách, chiến lược phòng chống HIV/AIDS cụ thể như giúp Việt Nam tiếp cận được với các chính sách toàn cầu và khu vực trong phòng, chống HIV/AIDS, vận động chính sách đặc biệt là ở cấp cao như Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Đảng, cung cấp kinh nghiệm, thực hành tốt, mô hình tốt của các quốc gia để Việt Nam tham khảo học tập; thu hút sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức Phi chính phủ, người sống chung với HIV, và các tổ chức/cá nhân khác vào công tác phòng chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là xây dựng các hướng dẫn chuyên môn cho hầu hết các lĩnh vực như tư vấn xét nghiệm HIV, dự phòng trong đó có điều trị nghiện chất, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; điều phối các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.

Mặc dù không phải là các tổ chức tài chính nhưng các tổ chức của UN cũng đã cố gắng hỗ trợ tài chính cho Việt Nam với số lượng đáng kể, cũng như huy động các nguồn tài trợ trong nước, quốc tế và hỗ trợ kiểm tra, giám sát, tăng cường điều phối và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Nhắc đến các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian qua, không thể không nhắc đến Quỹ Toàn cầu tại Việt Nam. Trong đó, Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét là một tổ chức quốc tế được thành lập theo đề nghị của Liên Hợp Quốc tại phiên họp thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc năm 2002 về phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét.

Nguồn vốn của Quỹ Toàn cầu do các quốc gia, tổ chức chính phủ, các tổ chức tư nhân và cá nhân đóng góp (trong đó phần lớn ngân sách tài trợ là từ Chính phủ các nước G8, Cộng đồng chung Châu Âu và các nước phát triển khác). Quỹ Toàn cầu đã huy động và đầu tư hơn 4 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các chương trình phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tại hơn 140 quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, Quỹ toàn cầu đã hỗ trợ cho các lĩnh vực về HIV/AIDS, Lao và Sốt rét với số tiền là hơn 454 triệu USD, trong đó HIV/AIDS là 227 triệu USD, Lao là 98 triệu USD, Sốt rét là 65 triệu USD và tăng cường năng lực hệ thống là hơn 62 triệu USD.

Về phòng, chống HIV/AIDS: Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam các vòng 1 (từ năm 2003); vòng 6 (từ năm 2008), vòng 8 (từ năm 2010) và vòng 9 (từ năm 2011) và sau đó Quỹ Toàn cầu đã liên tục hỗ trợ Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau từ năm 2012 đến nay với tổng ngân sách hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu lên tới hàng trăm triệu USD.

Bên cạnh Quỹ Toàn cầu còn có Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) tại Việt Nam. PEPFAR đã hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam thông qua việc cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật, và tăng cường hệ thống y tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đại sứ Hoa Kỳ qua các nhiệm kỳ, chương trình PEPFAR tại Việt Nam được thực hiện bởi các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ như: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S CDC), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAIDS), Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Là một nước trọng điểm trong giai đoạn đầu của PEPFAR, Chính phủ Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành nước hỗ trợ tài chính lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, với ngân sách hàng năm tăng từ 18 triệu USD năm 2004 lên 98 triệu USD vào năm 2010.

Có giai đoạn PEPFAR đã hỗ trợ phần lớn các loại thuốc và vật tư y tế cho HIV, bao gồm thuốc kháng virus (ARV) và methadone; đẩy nhanh các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở y tế, trong đó có đầu tư vào nguồn nhân lực; hỗ trợ kỹ thuật về chính sách, kế hoạch, triển khai và đánh giá; xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân cho việc cung cấp các dịch vụ và hàng hóa liên quan đến HIV ngoài các cơ sở của nhà nước.

Chương trình hiện tại PEPFAR tập trung vào một kế hoạch tham vọng với 2 mục tiêu: Đạt kết quả 90-90-95 tại 11 tỉnh trọng điểm của chương trình PEPFAR trong 2 khu vực và khu vực Kinh tế phía Bắc và khu vực Đô thị TPHCM vào năm 2020; bảo đảm chuyển giao bền vững trách nhiệm về tài chính, hành chính và kỹ thuật đối với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV cho Chính phủ Việt Nam. Ngân sách năm hiện tại của chương trình tại Việt Nam là 38 triệu USD.

Hỗ trợ kiện toàn, thiết lập các hệ thống y tế bền vững, chất lượng cao

Từ năm 1999, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S CDC) đã hợp tác với Việt Nam để thiết lập các hệ thống y tế bền vững, chất lượng cao. Thông qua Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), CDC Hoa Kỳ đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu toàn cầu của UNAIDS nhằm kiểm soát đại dịch HIV.

CDC Hoa Kỳ đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, hỗ trợ đổi mới mô hình chương trình, tăng cường năng lực chẩn đoán và xét nghiệm HIV cũng như nâng cao năng lực về giám sát, dịch tễ học và theo dõi chương trình về HIV.

Năm 2004, CDC Hoa Kỳ đã khởi xướng kiến đổi mới như xét nghiệm mới nhiễm HIV triển khai các điểm giám sát trọng điểm HIV để theo dõi các mô hình lây truyền ở Việt Nam. Với mối quan hệ hợp tác liên tục này Việt Nam đã xây dựng các chương trình giám sát, điều trị và phòng ngừa HIV hiệu quả. Các hệ thống giám sát này cho đến nay vẫn tiếp tục được sử dụng.

Với sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ, Việt Nam đã có thể xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm vững mạnh, kế hoạch chiến lược quốc gia và các hướng dẫn quốc gia để chẩn đoán chính xác, theo dõi và phòng ngừa lây nhiễm HIV. CDC Hoa Kỳ đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật giúp xây dựng các hệ thống chẩn đoán xét nghiệm HIV và hệ thống ngoại kiểm (EQA) vững mạnh và mở rộng thực hiện xét nghiệm khẳng định xét nghiệm. CDC Hoa Kỳ cũng tiếp tục hỗ trợ nhân rộng theo dõi tải lượng virus thường quy và thực hiện các sáng kiến đổi mới như xét nghiệm mới nhiễm HIV.

Những thành công của chương trình HIV tại Việt Nam được toàn cầu biết đến, không chỉ trong khuôn khổ Chương trình PEPFAR mà vượt xa hơn thế, đó là những thành công trong việc chuyển giao thanh toán các dịch vụ điều trị HIV thiết yếu bằng Bảo hiểm Y tế; là lượng điều trị HIV vượt trội với tỷ lệ tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt cao nhất trong các chương trình do PEPFAR hỗ trợ; và vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc xây dựng K=K (Không phát hiện=Không lấy truyền) làm trung tâm trong tất cả các khía cạnh của chuỗi dịch vụ điều trị, thông qua việc ban hành chính thức các hướng dẫn chuyên môn, qua các chương trình mang tính sáng tạo, với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng.

Bên cạnh sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ, từ năm 1998, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đã hỗ trợ các hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh có tỉ lệ ca nhiễm cao đặc biệt trong nhóm quần thể có nguy cơ lây nhiễm cao. Kể từ năm 2004, với nguồn quỹ viện trợ từ PEPFAR, USAID đã hỗ trợ cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các đối tác địa phương để bảo đảm chương trình đáp ứng phòng chống HIV quốc gia bền vững. USAID tại Việt Nam đã hợp tác thành công với Bộ Y tế, xây dựng nền móng cho Việt Nam tự lực chi trả và đáp ứng phòng chống HIV/AIDS.

Trong suốt 15 năm triển khai thực hiện chương trình PEPFAR, USAID đã cung cấp tài trợ thuốc điều trị HIV, thuốc methadone và các loại thuốc khác, trị giá lên đến hơn 115 triệu USD; những hỗ trợ này hiện nay đã được chuyển giao hoàn toàn sang cho Chính phủ Việt Nam, và đang đi đúng lộ trình tiến đến tự chủ mua sắm 75% nhu cầu thuốc ARV thông qua Bảo hiểm Y tế trong giai đoạn 2019-2020.

Ngoài ra, USAID đã hỗ trợ chiến lược, giúp y tế tư nhân và các tổ chức xã hội cùng tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV tiến gần hơn tới cộng đồng, hướng tới tự lực và củng cố đáp ứng phòng chống HIV của Việt Nam. Tận dụng lợi thế Việt Nam đang phát triển kinh tế nhanh chóng, điều này tạo ra khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ ngày càng quan tâm hơn đến việc giải quyết các vấn đề xã hội.

USAID cũng đã tạo ra chuỗi cung ứng thương mại các hàng hóa vật phẩm HIV thông qua việc hợp tác với hơn 100 đối tác thuộc khu vực tư nhân. Tính trên tổng số, mối quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân và các doanh nghiệp do nhóm nguy cơ cao điều hành đã đóng góp hơn 6,8 triệu USD vào chương trình phòng, chống HIV tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tự chủ tài chính trong nước cho chương trình phòng, chống HIV quốc gia và tăng cường tự lực tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực y tế nói chung và phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt mới đây Việt Nam đã được đánh giá là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thuỵ Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới. Trước mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thứ nhất là khó khăn về nhận thức. Hiện nay nhiều người dân không thấy hết tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát.  Thế giới chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ. Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn.

“Việt Nam hiện ước tính vẫn còn khoảng 40 nghìn người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà họ chưa biết tình trạng nhiễm HIV của họ, họ có thể vẫn đang rất khỏe mạnh, chính vì vậy họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm HIV mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng”, ông Long chia sẻ.

Một trong những vấn đề thách thức lớn là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS cắt giảm mạnh. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước từ nguồn Trung ương và địa phương.

Với khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV tại Việt Nam thì nhu cầu các dịch vụ dự phòng để họ không lây truyền HIV ra cộng đồng, điều trị bằng thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV liên tục mà có thể nói suốt đời và chăm sóc hỗ trợ cho họ chắc chắn sẽ là một thách thức lớn không chỉ về chuyên môn mà cả vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long bày tỏ hy vọng, với sự cam kết và sự chỉ đạo sát sao của Đảng và nhà nước cùng kinh nghiệm 30 năm đối phó với dịch HIV/AIDS mà cụ thể là các sáng kiến, thành tựu đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, Việt Nam sẽ vượt qua các khó khăn thách thức và thực hiện thành công mục tiêu các Chiến lược đã đề ra trong phòng, chống HIV/AIDS.

Top