Chính sách phòng, chống ma túy ở Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam

31/07/2021 08:08

Không chỉ ban hành nhiều chính sách quản lý toàn diện cho công tác phòng, chống ma túy, Trung Quốc đã sử dụng “big data” để đánh giá, phân tích, tấn công, truy quét vấn nạn mua bán ma túy trên mạng xã hội; áp dụng kỹ thuật giám sát nước thải đô thị để phát hiện quy mô nhóm sử dụng ma túy; phối hợp với Myanmar, Lào trong việc áp dụng kỹ thuật giám sát vệ tinh nhằm giám sát, phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây thuốc phiện…

 Lễ ký Biên bản Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 7 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc vào ngày 19/02/2021

Không khoan nhượng với tội phạm ma túy, áp dụng tiến bộ khoa học hiện đại

Ở Trung Quốc, mặc dù số người sử dụng ma túy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Chủng loại ma túy sử dụng ngày càng đa dạng, trong đó heroin và ma túy “đá” vẫn được sử dụng nhiều nhất. Số người sử dụng cần sa ngày càng gia tăng, việc lạm dụng các chất kích thích thần kinh mới liên tục bị phát hiện, mẫu mã đóng gói thay đổi thường xuyên dưới dạng “tem”, “thuốc thông minh”…

Địa điểm sử dụng ma túy có xu hướng chuyển dịch từ khu vui chơi, giải trí công cộng về khu nhà ở, nhà cho thuê ở vùng ngoại ô. Các phòng internet trực tuyến đã trở thành nơi tụ tập sử dụng trái phép ma túy khiến việc phát hiện, điều tra của lực lượng chức năng ngày càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, sự xâm nhập của ma túy từ nước ngoài vào Trung Quốc gia tăng, trong đó khu vực Tam giác vàng vẫn là nơi cung cấp ma túy chủ yếu, chiếm 80% lượng ma túy bị bắt giữ mỗi năm. Heroin đến từ khu vực Trăng lưỡi liềm vàng, cocaine đến từ Nam Mỹ, cần sa có nguồn gốc ở Bắc Mỹ đang trở thành thách thức đối với công tác phòng, chống ma túy ở Trung Quốc. Do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, giá bán cao, trong khi đó việc hợp pháp hóa cần sa tại một số nước đã làm gia tăng tình trạng mua bán, sử dụng cần sa ở trong nước.

Các đối tượng ở trong và ngoài nước cấu kết vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài qua tuyến biên giới Tây Nam vào nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, thủ đoạn vận chuyển ma túy qua đường biển ngày càng phổ biến, với số lượng vật chứng thu giữ lớn.

Trước thực trạng đó, Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng và gắn công tác phòng chống ma túy với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương kiên trì hành động với phương châm: “Phòng ngừa là chủ yếu, quản lý toàn diện, cấm trồng, cấm bào chế, cấm buôn bán, cấm sử dụng”, thực hiện chiến lược cân bằng, toàn diện, hoàn thiện thể chế pháp luật, thúc đẩy xây dựng hệ thống kiểm soát ma túy hoàn chỉnh phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Chính quyền các cấp luôn coi trọng công tác tuyên truyền, triển khai chiến dịch giáo dục phòng ngừa đến toàn dân. Các bộ, ngành chú trọng đến giáo dục kỹ năng phòng ngừa đến nhóm đối tượng thanh thiếu niên qua đó hướng đến mục tiêu nhà trường không có ma túy, học sinh không sử dụng ma túy.

Ngành giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập diễn đàn trên mạng xã hội có nội dung vận động thanh thiếu niên tham gia phòng chống ma túy tại 228.000 trường học, thu hút gần 100 triệu học sinh đăng ký truy cập.

Các ban, ngành xác định quản lý người nghiện ma túy, tích cực điều trị, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng là mặt quan trọng trong đổi mới công tác quản lý xã hội. Áp dụng biện pháp cai nghiện theo quan điểm lấy con người làm trung tâm; chăm sóc nhân văn, khoa học; hỗ trợ dạy nghề; áp dụng các hình thức cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng gắn với giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định qua đó góp phần giảm tệ nạn ma túy trong xã hội.

Chính phủ Trung Quốc đầu tư xây dựng toàn diện hệ thống phòng, chống tội phạm ma túy. Các cơ quan chức năng thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với hoạt động tội phạm liên quan đến ma túy.

Trước tình hình gia tăng nguồn ma túy từ khu vực Tam giác vàng xâm nhập vào nội địa, Bộ Công an Trung Quốc đã triển khai các chuyên án “biên giới sạch”, xây dựng hệ thống phòng ngừa trên các tuyến đường biển, đường bộ, đường hàng không, thư tín, cửa khẩu, thúc đẩy điều tra, khám phá các đường dây ma túy, rửa tiền liên quan đến ma túy, tăng cường thu hồi tài sản phi pháp của đối tượng nhằm phá hủy hệ thống kinh tế của băng nhóm tội phạm. Các lực lượng đẩy mạnh việc xử lý đối tượng nghiện tham gia mua bán lẻ ma túy, sử dụng “big data” để đánh giá, phân tích, tấn công, truy quét vấn nạn mua bán ma túy trên mạng xã hội.

Năm 2020, thông qua các đợt cao điểm tấn công trấn áp, Bộ Công an Trung Quốc đã khám phá 64.000 vụ án, bắt 92.000 đối tượng, thu giữ 55,4 tấn ma túy các loại.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ tiền chất và đảm bảo nhu cầu sử dụng hợp pháp, chống thất thoát tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép ma túy. Triển khai nghiêm túc việc xét duyệt, cấp giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất, nhất là đến các nước trọng điểm. Kiểm soát chặt chẽ các thành phẩm, quản lý khép kín toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, lưu hành nhằm ngăn ngừa thất thoát tiền chất, đồng thời xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, buôn bán trái phép tiền chất.

Trung Quốc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại xây dựng hệ thống giám sát, dự báo tình hình khoa học nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh. Trong thời gian qua, nước này đã áp dụng kỹ thuật giám sát nước thải đô thị để phân tích, đánh giá tình hình, phát hiện quy mô nhóm sử dụng ma túy để có biện pháp đấu tranh. Phối hợp với Myanmar, Lào trong việc áp dụng kỹ thuật giám sát vệ tinh nhằm giám sát, phát hiện, triệt phá diện tích trồng cây thuốc phiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đề cao quan điểm xây dựng “cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”, luôn tuân thủ nguyên tắc trách nhiệm chung, kiên định thực hiện chính sách dựa trên ba Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy qua đó cùng thảo luận, xây dựng khuôn mẫu về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Trung Quốc tích cực tham gia quy chế đa phương với Liên Hợp Quốc, các nước Đông Á, Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Khối các nước BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) qua đó thiết lập quan hệ hợp tác phòng chống ma túy bền vững, ổn định, cùng có lợi.

Các lực lượng chức năng tăng cường tìm hiểu, chia sẻ, điều phối chính sách quản lý, phối hợp tấn công trấn áp tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia với các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam trên tuyến “đường thủy an toàn”, sông Mekong nhằm kiểm soát nguồn ma túy xâm nhập vào trong nước.

Cảnh sát Trung Quốc tịch thu ma túy đá từ làng Bác Xã, thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Việt Nam có tuyến đường biên giới trên bộ, đường biển tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, nguồn heroin từ Lào xâm nhập vào nước ta tập kết rồi chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ, chiều ngược lại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện từ Trung Quốc đưa vào nước ta.

Từ chính sách phòng chống ma túy của Trung Quốc, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục nghiên cứu, chủ trì phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hợp tác phòng chống ma túy với các tỉnh giáp biên của Trung Quốc. Công an các tỉnh trao đổi, cập nhật thông tin, phối hợp triển khai chuyên án đấu tranh truy bắt nhóm đối tượng phạm tội về ma túy, đối tượng truy nã hoạt động trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin qua kênh điện thoại đường dây nóng, sỹ quan liên lạc, văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO), tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn về phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới hai nước. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cư trú tại khu vực biên giới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho đối tượng vận chuyển ma túy vào nội địa, có chính sách phát triển kinh tế - xã hội giúp đồng bào nâng cao đời sống để tránh xa tệ nạn này.

Về ứng dụng khoa học công nghệ đấu tranh chống tội phạm ma túy, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Theo đó, lực lượng CAND (chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) được Đảng, Nhà nước xác định là nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; trong khi đó tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp đòi hỏi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần phải được tăng cường hơn nữa trong việc bố trí đầu tư trang bị vũ khí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ hiện đại để góp phần thực hiện vai trò nòng cốt, chủ trì trong công tác đấu tranh nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong chế tạo, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Trong bối cảnh 4.0, các đối tượng thường lợi dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ để tổ chức mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Do vậy, khoa học và công nghệ phải theo kịp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động. Viện Khoa học và công nghệ (Bộ Công an) cần tăng cường nghiên cứu, chế tạo, trang bị vũ khí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ mới, hiện đại phục vụ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy nói riêng, phòng, chống tội phạm về ma túy trong giai đoạn hiện nay.

Top