Công tác cai nghiện còn nhiều tồn tại, hạn chế

23/02/2021 17:16

Đánh giá của Bộ LĐTB&XH cho thấy, công tác cai nghiện còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy như Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, thiếu sót, chưa thống nhất.

Học viên tại một cơ sở cai nghiện ma túy tập thể dục. Ảnh minh họa

Khó xác định tình trạng nghiện, khó đưa người nghiện đi cai

Từ những bất cập trong các quy định đã dẫn đến việc lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như: Quy định về cai nghiện cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy) không thống nhất với Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính nên gây khó khăn cho địa phương trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hay thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc không thống nhất: Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện, trong khi Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống ma túy quy định về biện pháp quản lý sau cai, song Luật Xử lý vi phạm hành chính không đề cập nền địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng nhưng thiếu tiêu chí xác định thời gian cụ thể, dẫn đến tình trạng các mốc thời gian cai nghiện của các đối tượng khác nhau, gây bức xúc cho học viên.

Bên cạnh đó, tình hình tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy mới với tác động mạnh vào thần kinh, tâm lý của người sử dụng, đối tượng nghiện ma túy phức tạp, có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tư tưởng hợp tác với lực lượng chức năng, gia đình và bản thân người nghiện còn mặc cảm, tự ti khi có con em vi phạm nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Công tác thông tin, tuyên truyền còn chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy, nhiều người cho rằng sử dụng ma túy tổng hợp không gây nghiện hoặc cho rằng cai nghiện ma túy chỉ là nhiệm vụ của ngành LĐTB&XH; nhiều người nghiện, gia đình không tự giác tham gia do ngại bị xã hội kỳ thị.

Việc xác định tình trạng nghiện khó khăn do nhiều loại ma túy mới xuất hiện. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại cơ sở y tế để xác định tình trạng nghiện không quy định cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền tạm giữ nên khó thực hiện.

Về công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, hầu hết tâm lý người nghiện, gia đình thường bao che, không hợp tác, không tự nguyện tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, gây khó khăn cho công tác hỗ trợ, giúp đỡ họ; chưa được trang cấp đầy đủ cơ sở vật chất, dụng cụ, thuốc men y tế. Cán bộ làm công tác cai nghiện tại cấp huyện, cấp xã là kiêm nhiệm, bán chuyên trách và thường xuyên thay đổi nên việc nắm bắt tình hình chưa sâu sát và chưa có chế độ, chính sách cho các cán bộ làm công tác cai nghiện tại cộng đồng.

Về công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện, điều kiện cơ sở cai nghiện ma túy xuống cấp, không đảm bảo tiếp nhận hết số người nghiện; cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh, công tác lao động trị liệu cho học viên chưa đầy đủ, chưa có chế độ, chính sách trợ cấp, ưu đãi để thu hút cán bộ có chuyên môn vào làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt là cán bộ y tế; đội ngũ cán bộ của cơ sở cai nghiện chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện. Một bộ phận cán bộ ngành Tòa án nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng LĐTB&XH chưa được tập huấn chuyên môn về cai nghiện.

Công tác hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thực hiện được, do hầu hết người nghiện không có nơi cư trú ổn định; mức hỗ trợ dạy nghề 2 triệu đồng/người/khóa cho người nghiện ma túy hiện nay không đủ cho học viên tham gia.

Công tác tạo việc làm cho người sau cai còn nhiều khó khăn, xã hội còn thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử; công tác phối hợp quản lý giáo dục, hỗ trợ đối tượng sau cai giữa gia đình, cộng đồng dân cư chưa hiệu quả.

Kinh phí trung ương và địa phương đầu tư cho công tác quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, có trường hợp thiết bị được trang cấp nhưng không phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Hoàn thiện Chương Cai nghiện ma túy

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội bổ sung, hoàn thiện Chương Cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua.

Xây dựng, ban hành Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và Thông tư quy định tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm an ninh trật tự và điều trị rối loạn tâm thần tại cơ sở cai nghiện ma túy. Đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn về cai nghiện ma túy cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, xây dựng chương trình học nghề đặc thù dành cho người nghiện ma túy.

Tiếp tục triển khai mô hình thí điểm, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy, nghiên cứu mở rộng diện thí điểm đến một số địa phương khác. Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, nhất là phòng ngừa ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới; tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao. Triển khai áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống ma túy; tổ chức điều tra, rà soát thống kê người sử dụng ma túy trên phạm vi cả nước…

Top