Khắc phục sự gián đoạn dự phòng, điều trị HIV khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

08/05/2021 10:18

(Chinhphu.vn) - Sự gia tăng ca nhiễm mới HIV một cách đột biến tại Việt Nam trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm nhiều chuyên gia lo ngại sự gián đoạn đối với các chiến lược dự phòng và điều trị HIV. Đáng lưu ý, đại dịch có thể làm gia tăng các ca nhiễm HIV mới ở những người nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), đặc biệt là nhóm này đang chiếm tỉ lệ rất cao.

Các báo cáo cho thấy sự gia tăng ca nhiễm mới diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành, trong đó một số tỉnh thành đều ghi tỉ lệ ca bệnh tăng đột biết, như: Cần Thơ (20,3%), TPHCM 13,8%, Bà Rịa - Vũng Tàu 16%, Khánh Hòa 14,6%...

Tại Bình Dương, chỉ riêng trong nhóm MSM, khi xét nghiệm sàng lọc 1.515 người MSM, đã phát hiện 484 ca dương tính, đạt tỉ lệ kỉ lục 31%. Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 có thể làm giảm số lượng bạn tình của những người MSM-TG, các đợt giãn cách cũng làm nhóm nguy cơ này ít có tiếp xúc hơn với các bạn tình. Tuy nhiên, sự thực là có những rủi ro khác phát sinh và lại làm gia tăng hành vi nguy cơ.

Thảo luận về chemsex, các rào cản và các phương án dự phòng lây nhiễm HIV trong bối cảnh COVID-19. Ảnh: Tống Nam

Rủi ro tình dục

Trong đại dịch COVID-19, nhiều người trong nhóm MSM cho biết, số lượng bạn tình của họ không thay đổi quá nhiều nếu họ gần nhau. Việc cách ly tại nhà, và có thời gian rảnh rỗi dẫn đến việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò phổ biến tại Việt Nam như Blued, Jackd, Grind để tìm kiếm bạn tình.

Các khảo sát ngắn từ Đại học Y Hà Nội, SCDI, DNXH Hải Đăng,… đều cho thấy tỉ lệ các bạn MSM và bạn tình của họ không sử dụng biện pháp an toàn, giảm việc tiếp cận với các phương án dự phòng như BCS, PrEP, cũng như khó tiếp cận với xét nghiệm HIV.

Dễ nhận thấy hơn, do các rủi ro tình dục, khả năng nhiễm HIV tăng đột biến, và đặc biệt tỉ lệ nhiễm bệnh tình dục như giang mai, lậu và sùi mào gà trong nhóm MSM đều tăng lên đáng kể.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến dự phòng và điều trị HIV

Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, sự gián đoạn liên quan đến COVID-19 đối với xét nghiệm HIV, tuân thủ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), sử dụng bao cao su và ức chế virus, và những gián đoạn lớn hơn đối với việc bắt đầu PrEP và điều trị ARV (ART), mà không có bất kỳ thay đổi nào về hành vi nguy cơ tình dục có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể 11% số ca nhiễm HIV mới và tử vong liên quan đến HIV trong khoảng thời gian một năm.

Trong suốt thời điểm bùng dịch tại Việt Nam, việc thăm khám, điều trị và duy trì chăm sóc hỗ trợ cho bệnh nhân/khách hàng sử dụng dịch vụ về HIV mặc dù được kịp thời những vẫn có nhiều trở ngại trong việc duy trì chất lượng dịch vụ. Các ghi nhận đều cho thấy tỉ lệ bỏ trị/mất dấu về HIV đều gia tăng từ 2-4 % so với cùng kì năm ngoái.

Đặc biệt, khi tỉ lệ bỏ trị PrEP liên tiếp ghi nhận gia tăng, các báo cáo cho thấy tỉ lệ quay lại nhận thuốc lần 2 cũng như lần 3 ngày càng giảm. Nhiều khách hàng đều nhận thấy việc sử dụng PREP trong thời điểm giãn cách xã hội là không cần thiết.

Chemsex là tiêu điểm mới trong thời dịch

Theo bạn Đào Minh Tín (Bình Dương) cho biết: Công nhân được nghỉ làm, và thực hiện giãn cách xã hội đã sử dụng ATS để phục vụ cho nhu cầu tình dục tăng cao. Nhiều bạn có quan hệ tình dục nhóm và không sử dụng bất cứ biện pháp an toàn như bao cao su hay PrEP mặc dù họ có biết về các rủi ro do quan hệ không an toàn.

Trong khi đó Anh Vũ (Vũng Tàu) cũng cho biết, thời điểm dịch là thời điểm chemsex tại Vũng Tàu bùng phát mạnh mẽ. Liên tiếp xử lý và hỗ trợ những ca quan hệ tình dục không an toàn và phơi nhiễm HIV cần dự phòng PEP (Dự phòng sau phơi nhiễm HIV).

Chemsex (chemical sex) là một thuật ngữ tiếng lóng chỉ việc sử dụng ma túy trong quan hệ tình dục đồng tính nam. Chemsex có thể coi là thách thức lớn trong việc bảo đảm các phương án dự phòng HIV, khi mà sử dụng chất có khi quan hệ tình dục 1-1/hay quan hệ tình dục nhóm đều có khả năng mất kiểm soát dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV cũng như các bệnh tình dục.

Giải pháp ứng phó với HIV khi dịch “hoành hành”

Việc ứng phó một cách nhanh nhạy và sự chuyển mình trong cung cấp dịch vụ từ trực tiếp sang trực tuyến ở Việt Nam nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cộng đồng. Nếu bạn đang điều trị HIV hoặc sử dụng PrEP, liên hệ ngay với phòng khám ngoại trú/cơ sở y tế để nhận thuốc dài hạn, bảo đảm việc liên tục duy trì sử dụng trong thời gian cách ly.

Các loại tự xét nghiệm HIV tại nhà bằng phương pháp dịch miệng như Oraquick cũng được cung cấp miễn phí, đừng ngại liên hệ với các tổ chức cộng đồng hoặc bất kì ai mà biết (dễ nhận thấy/tìm thấy trên facebook). Các xét nghiệm sẽ được ship hoặc gửi đường bưu điện tới tận nhà. Bạn và người hỗ trợ có thể video call trực tiếp để thăm khám, hỗ trợ đọc kết quả cũng như tư vấn các biện pháp an toàn với HIV, STIs.

Dành thời gian cho gia đình, hoặc tìm một thú vui mới thay vì vui chơi cùng với methaphetamin, nếu thực sự dùng chúng cho quan hệ tình dục, hãy bảo đảm rằng bạn đã và đang sử dụng PrEP duy trì mỗi ngày hoặc PrEP tình huống. Nó sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi HIV nếu được tư vấn và dùng đúng cách.

Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, như làm giảm số người đến xét nghiệm tại các cơ sở y tế, việc cung ứng các dịch vụ dự phòng cũng bị ảnh hưởng nhiều. Một số cơ sở điều trị bị cách ly toàn bộ khiến cho việc điều trị gặp khó khăn. Thậm chí có một số bệnh nhân cũng bị cách ly…nên đã ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống HIV/AIDS…

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra những giải pháp kịp thời. “Chúng tôi đã mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV mà không cần đến cơ sở y tế, triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân, mở rộng cấp phát thuốc ARV 3 tháng cho người nhiễm thay vì cấp 1 tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có hướng dẫn chi tiết cho những cơ sở điều trị bị cách ly vì COVID-19 để bảo đảm việc thăm khám, điều trị cho người bệnh…”, ông Long cho hay.

Nhờ những giải pháp kịp thời, Việt Nam đã khắc phục cơ bản các ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS và được nhiều quốc gia đánh giá cao trong công tác phòng, chống COVID-19, cũng như ứng phó với COVID-19 trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Top