Những bất cập trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai

26/07/2021 11:43

Những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai đã được Chính phủ rà soát, đánh giá và trình Quốc hội Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Ảnh: Cơ sở cai nghiện ma túy Phước Bình (thuộc Sở LĐTB&XH TPHCM)

Nhiều quy định về cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không còn phù hợp

Theo Bộ LĐTB&XH, đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện nay do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, tổ chức thực hiện với sự tham gia của Tổ công tác cai nghiện với thành phần là cán bộ lao động, y tế và đại diện các tổ chức, đoàn thể phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có như trạm y tế, trường học kỳ nghỉ hè...  để cắt cơn nghiện ma túy, các doanh nghiệp sẵn có trên địa bàn xã để hỗ trợ xã hội... như hiện nay là không còn phù hợp.

Cụ thể như về trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện như Điều 26 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện là không phù hợp với khả năng của phần lớn chính quyền cấp xã hiện nay; giao các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận để tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện nhưng không quy định cơ chế phối hợp, quyền và nghĩa vụ cụ thể, nên những quy định đó chỉ mang tính khẩu hiệu, tính quy phạm.

Việc giao cho Tổ công tác cai nghiện, tuy có số đông và đủ các thành phần nhưng phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu cả chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm, trong khi công tác cai nghiện phục hồi đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng về xã hội và y tế chuyên biệt và phải nhiệt huyết, trong khi trách nhiệm nặng nề mà không lương, phụ cấp ít, nên thiếu động lực làm việc.

Thực tế hiện nay, tại các địa phương chủ yếu chỉ thực hiện hoạt động cắt cơn, giải độc, sau thời gian ngắn là người sau cai nghiện ma túy tái nghiện; chưa thực hiện các giai đoạn khác như tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy khi tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, không huy động được xã hội hóa trong công tác cai nghiện ma túy, tận dụng các cơ sở dạy nghề, tư vấn, giáo dục sẵn có trên địa bàn nhưng nằm riêng lẻ tại các cơ sở, đơn vị khác nhau, đồng thời cũng chưa phát huy được hoạt động cắt cơn tại gia đình với sự hỗ trợ của các cơ sở y tế, các cá nhân có đủ điều kiện trên địa bàn.

Có sự bất bình đẳng trong cung cấp dịch vụ cai nghiện

Đối với công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy, hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện ngoài công lập quy định chi tiết tại Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, được sửa đổi, bổ sung năm 2011, năm 2018 (gọi tắt là Nghị định số 147/2003/NĐ-CP), có một số quy định gây khó khăn, không phát triển được cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ngoài công lập.

Điển hình như quy định về điều kiện về nhân sự tại điểm b khoản 2 Điều 5 “Người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện là bác sỹ, được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần hoặc trong lĩnh vực điều trị hỗ trợ cai nghiện, có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ đủ 36 tháng trở lên, trong đó có thời gian trực tiếp làm công tác cai nghiện từ đủ 12 tháng trở lên”, quy định này gây khó khăn trong việc tìm bác sỹ; hoặc quy định về Bộ LĐTB&XH cấp, gia hạn giấy phép cho cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, điều này làm thời gian xin cấp phép kéo dài, không thể hiện được chủ trường phân cấp cho địa phương; chưa có cơ chế hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập.

Về hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện, hiện nay cũng còn có bất cập vì cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thì yêu cầu điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, trong khi cơ sở cai nghiện ma túy công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện yêu cầu không cụ thể, cũng góp phần gây ra sự bất bình đẳng trong cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập là một biện pháp tốt, người nghiện được cách ly ma túy, được cung cấp các dịch vụ cai nghiện, phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, cơ bản công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập cũng chưa thu hút được nhiều người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện.

Người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện vẫn phải trả nhiều chi phí, trong khi phần lớn người nghiện ma túy là gia đình khó khăn.

Thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là rất dài

Theo quy định tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP, ngày 09/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có quy định đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc là người nghiện ma túy phải qua giáo dục xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định. Thực tế việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy không hiệu quả, các địa phương chỉ làm theo thủ tục để đủ điều kiện đưa người nghiện có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Để thực hiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì trước tiên cơ quan lập hồ sơ phải xác định tình trạng cư trú của người nghiện "có nơi cư trú ổn định hay không có nơi cư trú ổn định". Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể về tiêu chí "thường xuyên đi lang thang", "thường xuyên sinh sống" nên rất khó xác định, dẫn đến nhận thức mỗi nơi một khác, vận dụng khác nhau, không thống nhất.

Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này. Đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý.

Thực tế ở các địa phương không có tổ chức xã hội đủ điều kiện như trong quy định tại Điều 14 Nghị định 221. Để khắc phục tình trạng này, tại Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội khóa 13 quy định "Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian này, phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật". Đến năm 2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2015/QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội khóa 13 có nêu “Tiếp tục triển khai việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội cho đến khi các luật liên quan được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực”.

Việc giao người nghiện cho gia đình quản lý không hiệu quả, nhất là đối với người nghiện mới ra tù; có tiền án, tiền sự; người bị nhiễm HIV/AIDS... do đó gia đình không thể quản lý được hoặc người nghiện có hành vi quậy phá, hành hung người thân trong gia đình nên người thân trong gia đình không giám cam kết giữ; có trường hợp cả gia đình đều đi tù, ly tán hoặc làm ăn xa không có mặt ở địa phương.

Điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 221 quy định "Trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định". Quy định này dẫn đến tình trạng thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, phương tiện, lực lượng thực hiện đưa người nghiện từ nơi vi phạm đến nơi cư trú ổn định để bàn giao, nhất là đối với các xã thuộc vùng sâu, vùng xa; đối tượng phát hiện ở phía nam nhưng đăng ký nhân khẩu thường trú ở phía bắc.

Điều 9 Nghị định 221 "Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" bắt buộc phải có "Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền về tình trạng nghiện ma túy của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc". Do người nghiện thường không hợp tác, chấp hành; không trình bày đầy đủ các triệu chứng lâm sàng để người có thẩm quyền có căn cứ xác định tình trạng nghiện, nhiều trường hợp không có đủ căn cứ để xác định tình trạng nghiện. Đây là đối tượng chỉ bị tạm giữa hành chính 24 giờ, do vậy không có căn cứ để lưu giữ người nghiện theo dõi biểu hiện lâm sàng.

Điều 11 Nghị định 221 "Thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc", người nghiện được thông báo và biết mình bị lập hồ sơ đưa đi cai nghiện nên đã bỏ trốn không chấp hành; trong nhiều trường hợp Tòa án đã ra Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện nhưng người nghiện bỏ trốn nên không thi hành được.

Thời gian xác minh cư trú người nghiện là 15 ngày, phòng Tư pháp huyện kiểm tra tính pháp lý hồ sơ 5 ngày, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định hồ sơ 7 ngày, trường hợp hồ sơ chưa đủ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển cho Cơ quan lập hồ sơ trong thời hạn 5 ngày để bổ sung, người nghiện được đọc hồ sơ trong thời gian 05 ngày. Thời gian tối đa cho việc lập một hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lên đến 37 ngày là rất dài.

Ngoài ra, quy định người nghiện ma túy đang cai nghiện bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thì được chuyển tới cơ sở y tế hoặc đưa về nhà để chữa trị, chăm sóc. Chi phí điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh do bản thẩn người nghiện hoặc gia đình người nghiện ma túy tự thanh toán. Tuy nhiên, thực tế nhiều gia đình hoặc bản thân người nghiện ma túy không có khả năng chi trả, cơ sở cai nghiện ngoài việc phải cử người đi quản lý khi đi chữa bệnh, tạm thanh toán kinh phí nhưng khó khăn trong quyết toán hoặc không quyết toán được.

Chưa quy định rõ các hỗ trợ sau cai

Theo Bộ LĐTB&XH, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 94/2009/NĐ-CP lặp lại khoản 2 Điều 33 Luật PCMT mà không quy định chi tiết “hỗ trợ học nghề, tìm việc làm” là những hỗ trợ cụ thể gì, nguồn lực nào để thực hiện. Điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 94/2009/NĐ-CP quy định: “Người sau cai nghiện tại trú được hỗ trợ về tâm lý, xã hội...” nhưng không quy định cụ thể hỗ trợ gì, ai làm.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức dạy nghề “theo khả năng, điều kiện cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp xã”, nhưng cơ sở vật chất, nguồn lực của Ủy ban nhân dân cấp xã khó có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Vấn đề tìm việc làm cho người sau cai rất khó khăn do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh nên có thể họ sẵn sàng hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật chứ không muốn nhận người sau cai vào làm việc.

Kinh phí, chế độ hỗ trợ cho hoạt động hỗ trợ người nghiện sau cai học nghề, tìm việc làm, phát triển kinh tế còn rất hạn chế, các chủ lao động còn e ngại người sau cai nghiện ma túy; các cơ quan liên quan chưa thực hiện tốt việc hướng nghiệp, dạy nghề để người sau cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hiện Bộ LĐTB&XH đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (gộp với Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Qua đó, khắc phục những vướng mắc, bấp cập xuất phát từ các quy định của các Nghị định quy định về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn tổ chức thi hành các Nghị định; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Top