Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phòng, chống tội phạm về ma túy hiệu quả ở biên giới

06/03/2021 13:50

Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) được Quốc hội khóa X thông qua năm 2000 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008. Vừa qua, Dự án Luật PCMT (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thảo luận tại tổ và hội trường. Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật.

Đối tượng Vy Văn Hẻn cùng tang vật 246 kg ma túy tổng hợp trong Chuyên án LS320P do lực lượng chức năng BĐBP Lạng Sơn bắt giữ ngày 13/3/2020

Những năm vừa qua, tội phạm và tệ nạn về ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thậm chí rất manh động. Do tính chất đặc thù nên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển luôn là một trọng điểm, xuất hiện nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép chất ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.

Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia; đồng thời, cũng là một cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, độc lập và phối hợp các lực lượng thực hiện phòng, chống, bước đầu đạt những kết quả quan trọng.

Từ năm 2019 đến năm 2020, BĐBP đã chủ trì và phối hợp bắt 1.399 vụ/2.017 đối tượng, thu 3.465,18 kg ma túy các loại, 26 súng, 336 viên đạn, 13 ô tô, 87 xe máy; phối hợp bắt giữ 709 vụ/973 đối tượng, thu giữ 2.596,75 kg ma túy, 13 tiền chất, 15 máy chưng cất ma túy, 19 súng, 248 viên đạn, 1 lựu đạn, 5 ô tô, 15 xe máy.

Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã quy định: BĐBP, Cảnh sát Biển, Hải quan... là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý mà phát hiện tội phạm quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng cũng như đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, BĐBP được tiến hành các hoạt động theo luật định.

Đối với các tội phạm về ma túy, để đến giai đoạn này là cả một vấn đề với nhiều hoạt động, biện pháp trước đó. Ngoài ra, trong Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính... cũng đã quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của BĐBP theo lĩnh vực chuyên ngành.

Nghiên cứu Luật PCMT (năm 2000), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCMT (năm 2008) và khoản 1, Điều 12 của Dự thảo Luật PCMT (sửa đổi) quy định rất cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành các hoạt động bao gồm:

a) Chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy;

b) Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, khoa học - kỹ thuật cần thiết để điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy;

c) Trưng cầu giám định mẫu vật, mẫu phẩm sinh học cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy;

d) Yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình tài chính và tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khi có căn cứ cho rằng có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6, 9, Điều 4 của Luật này;

đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bưu chính, dịch vụ chuyển phát mở bưu kiện, bưu phẩm, hàng hóa để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu kiện, bưu phẩm, hàng hóa đó có chứa chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

e) Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại trong các vụ án về ma túy;

g) Phối hợp với cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để trao đổi thông tin và tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Đối với các cơ quan chuyên trách PCMT của BĐBP, Cảnh sát Biển và Hải quan, việc quy định còn chung chung tại khoản 3, Điều 12, đó là: “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc BĐBP, Cảnh sát Biển, Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát”.

Từ khi có Luật PCMT và được sửa đổi đến nay, chưa có văn bản dưới luật nào quy định, hướng dẫn cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của BĐBP cũng như Cảnh sát Biển, Hải quan thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết ở đây là gì. Một số văn bản như: Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình PCMT đến năm 2020; Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, BĐBP, Cảnh sát Biển và Hải quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển (đang dự thảo mới để thay thế) thuộc phạm vi điều chỉnh khác. Thực tiễn cho thấy, các hoạt động được quy định tại khoản 1, Điều 12 của Dự thảo Luật PCMT (sửa đổi), nhiều nội dung BĐBP thực hiện tốt, thậm chí rất hiệu quả nhưng không được quy định trong Luật này nên cũng có khó khăn nhất định.

Những năm tới, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy còn có những diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy. Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã quy định: BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Để BĐBP phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới hiệu quả hơn, trong Dự thảo Luật cần có điều hoặc khoản quy định về các hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, gồm điểm a, b, c, d, đ, e, g như trên (chỉnh sửa, bổ sung nội dung, câu từ cho chặt chẽ). Nội dung này không mâu thuẫn với các luật được ban hành trước đó. Sau khi được thông qua, có nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo BĐBP được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết như Công an.

Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung thêm điều, khoản về phối hợp PCMT. PCMT là nhiệm vụ quan trọng; trong đó, phòng là biện pháp chiến lược, thường xuyên, lâu dài, chống là biện pháp cấp bách, không thể thiếu được. Phải có sự tham gia và phối hợp của các cấp, ngành, lực lượng (nhất là lực lượng chuyên trách), tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, tạo thành sức mạnh tổng hợp, không để sót, lọt đối tượng, địa bàn, lĩnh vực quản lý. Do đó, khái quát nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp; sau này được cụ thể bằng nghị định, quy chế.

Luật Biên phòng Việt Nam quy định: BĐBP thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, rất cần thiết có cơ sở pháp lý vững chắc, cụ thể, sẽ giúp BĐBP phát huy tốt vai trò và nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới trong thời gian tới.

Theo báo Dân sinh

Top