An Giang: Tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người
Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tội phạm mua bán người, thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh An Giang đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phòng ngừa tệ nạn.
Truyền thông phòng, chống mua bán người. Ảnh Internet |
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, trong những năm gần đây, tại An Giang, gia tăng số phụ nữ lấy chồng người nước ngoài như Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, kèm theo đó dịch vụ môi giới kết hôn với người nước ngoài, môi giới xuất cảnh tìm việc làm trái phép vẫn còn diễn ra. Khu vực nông thôn, vùng sâu, người dân còn mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người khiến nhiều phụ nữ và trẻ em rơi vào tay bọn tội phạm.
Giai đoạn 2016-2018, nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội các Sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã thực hiện 19.324 buổi tuyên truyền về những thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người; tác hại và hậu quả của tệ nạn mại dâm, tiêm chích, sử dụng ma túy với 883.784 lượt người tham dự; trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành liên quan đã tổ chức 2.900 buổi tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm và mua bán người với 59.967 người tham dự; cấp phát 7.500 tờ rơi và phát trên 5.458 giờ các tin, bài trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội tại địa bàn, cơ sở.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh An Giang) và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 37 buổi tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm; công tác phòng, chống mua bán người với 2.040 cán bộ và người dân tham dự; cấp phát 10.000 tờ rơi, tờ bướm nhằm nâng cao ý thức người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội tại địa bàn, cơ sở.
Ngoài trực tiếp triển khai thực hiện công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Chi cục đã hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Long Xuyên và các huyện Châu Phú, Chợ Mới và Thoại Sơn phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, duy trì các mô hình phòng chống tội phạm như: “Tổ phụ nữ không để người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Tổ phụ nữ phòng chống và tố giác tội phạm”, “Hội nông dân với pháp luật”, “Câu lạc bộ những người hoàn lương”; “Câu lạc bộ Honda đầu phòng, chống tội phạm” … tạo sự nhận thức, chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh và xử lý nhiều vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, trong số này có 1 vụ mua bán trẻ em sang Trung Quốc thông qua việc cho nhận con nuôi trái phép; 1 vụ truy bắt 01 đối tượng truy nã với tội danh mua bán người trong vụ án xảy ra từ tháng 7/2012 đến tháng 8/2013 về việc dụ dỗ, lừa bán 12 phụ nữ sang Trung Quốc; 1 vụ liên quan đến 2 nạn nhân là người Campuchia bị bán sang An Giang được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình phát hiện, triệt phá.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) tổ chức tiếp nhận 19 nạn nhân bị mua bán từ Campuchia trở về. Sau khi tiếp nhận, phần lớn nạn nhân được đưa vào lưu trú tạm thời tại Cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ trong Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh, tại đây các em được hỗ trợ ăn, nghỉ; khám sức khỏe ban đầu; tư vấn hỗ trợ tâm lý, pháp lý, hướng nghiệp, dạy nghề; cung cấp thông tin về phòng chống mua bán người để tránh tái bị mua bán; tham vấn về kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời, thông báo cho địa phương nơi nạn nhân lưu trú phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa các em về hòa nhập cộng đồng (theo nguyện vọng).
Phối hợp Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Châu Phú, huyện Thoại Sơn hỗ trợ 2 triệu đồng cho 2 nạn nhân bị mua bán từ Malaysia, Nga trở về hòa nhập cộng đồng (1 triệu đồng/em); với tổ chức Vòng Tay Thái Bình khảo sát, tư vấn 02 em (huyện Chợ Mới) có hoàn cảnh khó khăn đăng ký tham gia học bổng học nghề ngắn hạn chuyên ngành nghiệp vụ nhà hàng - khách sạn; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, chi phíhọc văn hóa, học nghề cho 11 nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng với tổng số tiền gần 35 triệu đồng.
An Giang cũng đang thực hiện dự án Nhà Nhân Ái hỗ trợ, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào lưu trú học văn hóa, học nghề. Thời gian qua, Nhà Nhân Ái đã tiếp nhận 06 nạn nhân bị mua bán trở về tự nguyện vào lưu trú để học văn hóa, học nghề, trong số này, có 02 em học nghề may, 03 em học văn hoá và 01 em học làm bánh; đến nay các em đã hoàn thành các khóa học và Chi cục đã phối hợp với địa phương hỗ trợ các em trở về hòa nhập cộng đồng...