ASEAN chung tay phòng, chống ma túy

06/10/2021 10:33

(Chinhphu.vn) - Vừa qua, tại Thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 42 về vấn đề ma túy (Hội nghị ASOD 42) do Lào chủ trì theo hình thức trực tuyến.

Cảnh sát Indonesia thu giữ số lượng lớn ma túy trong các chuyên án

Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cơ quan phòng, chống ma túy 10 nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thiếu tướng Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy làm trưởng đoàn. Hội nghị diễn ra trong thời gian một ngày để tập trung chia sẻ, báo cáo, rà soát và thảo luận về công tác phòng chống ma túy trong khu vực.

Tại Hội nghị, các nước đã nhấn mạnh sự bùng phát của dịch bệnh COVID - 19 trên thế giới đã gián tiếp tác động lớn đến thị trường cung cầu ma túy bất hợp pháp từ sản xuất, vận chuyển, mua bán đến tiêu thụ, làm phát sinh thách thức mới trong công tác phòng chống ma túy của các nước. Tình hình tội phạm ma túy trong khu vực vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thách thức. Số lượng ma túy bị bắt giữ vẫn ở mức cao, ma túy tổng hợp, các chất ma túy, hướng thần mới trở nên phổ biến có xu thế thay thế dần ma túy truyền thống.

Trong năm 2020, cơ quan thực thi pháp luật của các nước ASEAN bắt giữ 144 tấn ma túy tổng hợp, chiếm 83% lượng bắt giữ trong khu vực Đông và Đông Nam Á. Tại đây cũng phát hiện gần 500 chất ma túy, hướng thần mới là nguyên nhân gây hại sức khỏe người sử dụng và gia tăng số ca tử vong do quá liều.

Bất chấp suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, các đối tượng đã nhanh chóng thích nghi, thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội thông qua đa dạng hóa địa điểm hoạt động, sử dụng loại hóa chất nằm ngoài danh mục kiểm soát để sản xuất trái phép ma túy. Đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua dịch vụ vận tải hàng hóa, chuyển phát điện tử, chuyển phát nhanh. Đặc biệt, tình trạng mua bán trái phép ma túy qua trang mạng trực tuyến, rửa tiền có xu hướng gia tăng ở Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Các nước Mynmar, Malaysia, Philippines đã triệt phá thành công nhiều đường dây, tụ điểm sản xuất trái phép ma túy liên quan đến người trong nước cấu kết với đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Khu vực Đông Nam Á vẫn chiếm tỷ trọng cao về trồng cây thuốc phiện so với thế giới, chủ yếu tập trung tại bang Shan (Myanmar) với diện tích trồng loại cây này lên tới 29.500 ha (năm 2020). Gần đây, Lào trở thành điểm trung chuyển ma túy, tiền chất trong khu vực, Campuchia trở thành địa bàn mua bán, tái chế ma túy có nguồn gốc từ Tam giác vàng.

Trước tình hình đó, trong năm qua các nước ASEAN đã phối hợp triển khai Kế hoạch hợp tác ASEAN về phòng, chống sản xuất, mua bán trái phép ma túy tại khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2020 - 2022, Kế hoạch phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN về phòng chống ma túy giai đoạn 2016 - 2025, tăng cường phối hợp đấu tranh trong khuôn khổ hợp tác sông Mekong an toàn, Tổ công tác phòng chống ma túy qua đường hàng không, Tổ công tác phòng chống ma túy qua đường biển… Các nước cùng nhau phối hợp xuất bản Báo cáo ma túy ASEAN năm 2020 nhằm tổng hợp thông tin chung, đánh giá tổng quan về tình hình tội phạm ma túy khu vực, chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tại mỗi nước thành viên.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ về Kế hoạch hành động phấn đấu bảo vệ Cộng đồng ASEAN phòng chống ma túy giai đoạn 2016 - 2025 do Indonesia chủ trì xây dựng nhằm tổng hợp, đánh giá việc triển khai, đưa ra khuyến nghị hợp tác thời gian tới, đồng thời tiếp tục phối hợp với các nước để hoàn thành dự thảo trước khi trình bày tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 7 (AMMD7) do Campuchia chủ trì theo hình thức trực tuyến, từ ngày 12 - 14/10/2021.

Các đại biểu cũng thảo luận nội dung dự thảo đánh giá Kế hoạch hợp tác ASEAN về phòng, chống sản xuất, mua bán trái phép ma túy tại khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2020 - 2022; thống nhất Kế hoạch hành động Mạng lưới giám sát ma túy ASEAN 2021 - 2022. Hai văn kiện này đều do Thái Lan chủ trì, phối hợp với các nước xây dựng và sẽ được công bố tại Hội nghị AMMD7 tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về Tuyên bố chung giữa ASEAN - Nga về hợp tác giải quyết và đấu tranh với vấn đề ma túy thế giới. Từ năm 2016 đến nay, được sự đồng thuận của các nước Đông Nam Á, Liên bang Nga trở thành nước đối thoại trong khuôn khổ Hội nghị ASOD. Phiên họp ASEAN - Nga được tổ chức thường niên, liền kề với Hội nghị ASOD với mục tiêu tăng cường hợp tác phòng chống ma túy giữa các bên, đồng thời thảo luận, đưa ra quan điểm chung nhằm ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID - 19, Hội nghị ASOD 42 không tổ chức phiên họp với các đối tác đối thoại trong đó có Nga như những năm trước.

Nhằm thúc đẩy hợp tác phòng chống ma túy, Nga đã dự thảo bản Tuyên bố chung đề nghị Hội nghị xem xét, đánh giá. Theo đó, Campuchia, Myanmar, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam bày tỏ quan điểm dự thảo Tuyên bố chung cơ bản phù hợp với cam kết chung của khu vực trong giải quyết vấn đề ma túy, tái khẳng định vai trò của 3 Công ước quốc tế năm 1961, 1971, 1978 về phòng chống ma túy của Liên Hợp Quốc, vai trò hoạch định chính sách toàn cầu của Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND). Khẳng định vai trò của các nước ASEAN trong việc giải quyết vấn đề ma túy thế giới trên tinh thần không khoan nhượng với ma túy bất hợp pháp, không chấp nhận hợp pháp hóa ma túy vì mục đích y tế hoặc nghiên cứu nếu không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy, có thể kiểm chứng.

Về phía Thái Lan, mặc dù Quốc hội nước này đã thông qua Luật Phòng chống ma túy sửa đổi vào tháng 8/2021, trong đó có nêu quy định về việc hợp pháp hóa cần sa vào mục đích y tế. Tuy nhiên tại Hội nghị, Thái Lan cũng không có ý kiến phản hồi về vấn đề này. Sau Hội nghị ASOD 42, dự thảo Tuyên bố chung sẽ tiếp tục được đàm phán ở các cấp cao hơn và dự định sẽ được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nga tổ chức vào tháng 10/2021, nhân dịp đánh dấu 30 năm quan hệ ASEAN - Nga và 25 năm quan hệ Đối tác Đối thoại.

Căn cứ vào nội dung, kết quả Hội nghị, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề xuất lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục giao đơn vị chủ trì, theo dõi, tham gia tích cực vào hoạt động thường niên về phòng chống ma túy của ASEAN. Phối hợp với cơ quan chức năng của các nước hoàn thiện báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch hành động ASEAN về bảo vệ Cộng đồng chống tệ nạn ma túy giai đoạn 2016 - 2015 và Kế hoạch hợp tác ASEAN chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực Tam giác vàng giại đoạn 2021 - 2022 để công bố tại Hội nghị AMMD 7.

Đồng thời chủ trì đề xuất đoàn đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ ASEAN về phòng chống ma túy cũng như các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh cũng như tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện viện trợ phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy ở mỗi nước.

}
Top