Bắc Giang: Khởi động chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

11/06/2020 09:15

Ban Quản lý dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Giang vừa khởi động sự kiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Bắc Giang.

 Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang, lũy tích số người phát hiện nhiễm HIV là 3.327 người, số tử vong do AIDS là 1.310 ca, số người nhiễm còn sống là 1.968 ca. Dịch đã xuất hiện ở 10/10 huyện, thành phố với 215/230 xã, phường phát hiện có người nhiễm chiếm (93,47%).

Dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng khắp tại 10 huyện, thành phố. Đối với hoạt động can thiệp giảm tác hại, địa phương đã triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố. Chương trình phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn, giới thiệu tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai thông qua mạng lưới cộng tác viên tuyến xã và các đồng đẳng viên. Toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở điều trị Methadone và 4 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại 10 huyện, thành phố với số bệnh nhân đang điều trị là 1.165 bệnh nhân.

Dịch HIV có xu hướng giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ hiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm. Tuy nhiên, dịch HIV vẫn ở mức cao và vẫn còn phức tạp, trong 5 tháng đầu năm tăng 3 ca so với cùng kỳ năm trước. Vẫn còn tỷ lệ lớn người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa biết về tình trạng nhiễm HIV của họ, do đó tiềm ẩn nguy cơ làm lây nhiễm HIV trong cộng đồng và không xác định được đúng mức độ dịch HIV/AIDS. Đồng thời, có sự gia tăng người nhiễm HIV thuộc nhóm người bạn tình của người nghiện chích ma túy, nhóm nam quán hệ đồng tính (MSM), nhóm trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn do kinh phí triển khai đang có xu hướng cắt giảm mạnh từ các tổ chức quốc tế. Xu hướng dịch HIV lây truyền qua đường tình dục đang gia tăng, nhóm đối tượng đa dạng hơn và lây truyền từ nhóm nguy cơ cao sang cộng đồng, do đó các biện pháp can thiệp khó khăn hơn.

Hiện tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm MSM và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng lên tại một số tỉnh/thành phố, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

Tại Việt Nam, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đã được triển khai thí điểm từ năm 2017 tại TP. Hà Nội và TPHCM. Kết quả thí điểm cho thấy điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là khả thi và được chấp nhận như là một biện pháp dự phòng trong các quần thể nguy cơ cao.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV-PrEP được viết tắt của cụm từ tiếng Anh Pre-Exposure Prophylaxis. Sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên cúa virus HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus là Tenofovir Disoproxil Fumarate (TDF) 300 mg và Emtricitabine (FTC) 200 mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên.
}
Top