Bắc Giang: Nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy giai đoạn 2022-2025
(Chinhphu.vn) - Tình hình người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua vẫn còn phức tạp.
Số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý gia tăng hàng năm, phần lớn số người nghiện tập trung ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư; người nghiện có xu hướng chuyển từ sử dụng heroin sang ma túy tổng hợp và sử dụng hỗn hợp nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến.
Hiện toàn tỉnh có 192/209 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, số người nghiện có hồ sơ quản lý là 2.725 người, số người nghi nghiện, sử dụng và nghi sử dụng trái phép chất ma túy trên 1.200 người. Trong đó, số sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 33,6%; người sử dụng ma túy tổng hợp thường bị rối loạn tâm thần "hoang tưởng, ảo giác, loạn thần..." không làm chủ được hành vi, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và người khác, làm mất an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch "Nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và cai nghiệt bắt buộc trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025".
Mục tiêu chung là huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức, hiệu quả phòng ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy nhằm giảm tác hại của sử dụng ma túy, nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể là triển khai, thực hiện kịp thời, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; chương trình, kế hoạch và dự án của Chính phủ và các bộ, ban, ngành về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025", các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành". 100% UBND xã, phường, thị trấn, trường học, khu, cụm công nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục các kiến thức về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy, tăng cường tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho người nghiện, nghi nghiện ma túy, người sử dụng, nghi sử dụng trái phép chất ma túy và các nhóm nguy cơ cao như: học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp...
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho tối thiểu 80% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại ba cấp tỉnh, huyện, xã. Nâng tỷ lệ người nghiện trong cộng đồng tham gia các chương trình cai, điều trị nghiện mỗi năm tăng 5%; phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 85%. Đảm bảo 100% số người tham gia điều trị, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập được học nghề và tư vấn tìm việc làm sau cai.
Đến năm 2025, Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đạt quy mô cai nghiện bắt buộc cho 500 người và cai tự nguyện cho 50 người. Duy trì khu điều trị rối loạn thần kinh do nghiện ma túy tổng hợp tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. 100% cơ sở cai nghiện ma túy công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được rà soát, kiện toàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Tiếp tục duy trì hoạt động các cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc Methadone hiện có và mở thêm các điểm cấp phát thuốc Methadone tại các huyện có nhiều người nghiện ma túy.
Song song với đó là tiếp tục nâng cao vai trò công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Cần xác định nhiệm vụ tổ chức cai nghiện ma túy là thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội hoặc khoán trắng cho lực lượng chuyên trách; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chuyên trách và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác cai nghiện ma túy.
Cấp ủy, chính quyền cấp xã phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng chuyên môn và các tổ chức, cá nhân trực tiếp phụ trách quản lý, theo dõi người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú nhằm tư vấn, trợ giúp về tâm lý và các điều kiện cần thiết khác để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy. Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; trọng tâm là công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung tập trung tuyên truyền về hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy, nghiện ma túy gây ra đối với bản thân, gia đình và xã hội; các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, đối tượng, địa bàn tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền trực tiếp cho người nghiện, nghi nghiện ma túy, người sử dụng, nghi sử dụng trái phép chất ma túy và các nhóm nguy cơ cao, dễ bị lôi kéo như: học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân trong các khu công nghiệp... Triển khai và thực hiện tốt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học không có tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Về cơ sở vật chất, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cải tạo khu cai nghiện bắt buộc giai đoạn 1 tại Cơ sở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thời gian hoàn thành quý I năm 2023. Tiếp tục đầu tư, mở rộng các phân khu giai đoạn 2 để đến năm 2025 đảm bảo quy mô cai nghiện bắt buộc là 500 người và cai nghiện tự nguyện 50 người. Duy trì cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, với quy mô 300 người. Bổ sung trang thiết bị, phương tiện tối thiểu để thực hiện cai nghiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Bệnh viện Tâm thần tỉnh duy trì khu điều trị rối loạn thần kinh do nghiện ma túy tổng hợp, công suất tiếp nhận từ 50 đến 70 giường bệnh.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất sẵn có, bố trí trang thiết bị, phương tiện và nhân sự cho khu cai nghiện ma túy tự nguyện, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn để tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
UBND tỉnh yêu cầu cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tư vấn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; quản lý người nghiện và nghi nghiện, người sau cai nghiện, người sử dụng và nghi sử dụng trái phép chất ma túy. Duy trì hoạt động hệ thống phần mềm quản lý người nghiện, nghi nghiện ma túy từ tỉnh đến cơ sở. UBND cấp xã phải thường xuyên cập nhật thông tin của các đối tượng nghiện vào hệ thống quản lý theo quy định.
Vĩnh Hoàng