Bác Hai Nghĩa – Nhà lãnh đạo tận tâm và bình dị
(Chinhphu.vn) - Bác Hai Nghĩa - Tên gọi trìu mến, dân dã ngoài đời của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã rời cõi tạm, mãi mãi ra đi để trở về hòa mình vào lòng đất mẹ, về với “thế giới người hiền”. Song hình ảnh của một con người giàu lòng nhân ái, rất đỗi giản dị, gần gũi… sẽ luôn in đậm trong lòng người dân, nhất là đối với những người yếu thế trên mỗi cung đường Bác đã đi qua.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm các cháu nhỏ không may mang trong mình virus HIV tại Trung tâm Giáo dục lao động số II Hà Nội ngày 1/6/2009
Vinh dự và tự hào được phục vụ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng trong một nhiệm kỳ với vị trí là phóng viên chuyên trách của Phó Thủ tướng, tôi đã được tháp tùng Phó Thủ tướng trong các chuyến công tác ở cả trong và ngoài nước, được thấy, được cảm nhận phong cách sống rất đỗi giản dị, bình dị và trên hết là một tấm lòng nhân ái, bao dung, tình cảm yêu thương con người tha thiết của Bác đối với người dân, nhất là với nhóm người yếu thế như những người nghèo ở các vùng quê hẻo lánh, vùng núi, vùng sâu, vùng xa; người nhiễm “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS; các cháu nhỏ mồ côi…
Trên mỗi cung đường Bác đã đi qua, nơi vùng miền đất nước mà Bác đã từng tới, đối với những người nghèo, yếu thế, Bác Hai Nghĩa không chỉ là vị lãnh đạo Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới cuộc sống của họ mà còn là người ông, người bác, người anh gần gũi, thân thiết, hiền hậu.
Ở cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, trong hoạt động chỉ đạo điều hành, nhất là trong các chuyến công tác tại địa phương, đặc biệt ở các địa phương vùng Tây Bắc, nơi địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn lớn thì công tác xóa đói, giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS… luôn là những vấn đề “nóng” được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đặc biệt quan tâm và tìm hiểu thông tin đến tận “ngọn nguồn” qua các chuyến thị sát thực tế để biết rõ cuộc sống, tâm trí, tình cảm và trăn trở về các giải pháp giúp đỡ họ.
Đến làm việc với các địa phương, các đơn vị, một yêu cầu xuyên suốt mà Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng luôn đặt ra đối với các cấp chính quyền là “cần có sự quan tâm đặc biệt” đối với những người không may mắn, những người yếu thế trong xã hội và phải luôn đặt mình trong hoàn cảnh của họ mới thấy những khó khăn, thiệt thòi mà họ phải gánh chịu. Theo ông, phải đặt chính mình trong hoàn cảnh như vậy mới cảm thông, thấu hiểu và mới có sự chia sẻ sâu sắc với những người chịu thiệt thòi, vì: “Có đứt ruột thì mới thương người ruột đứt”. Câu nói này luôn là nỗi niềm trăn trở, là mối quan tâm day dứt thường trực của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khi nói về công tác xóa đói, giảm nghèo, nói về hoàn cảnh của những người yếu thế.
Với Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, tìm hiểu để nắm bắt cụ thể về công tác xóa đói, giảm nghèo và phòng chống HIV/AIDS không chỉ đơn thuần là nghe, là đọc, là tìm hiểu để biết được thông tin qua các báo cáo mà phải là đi sâu, đi sát thực tế, từ đó mới có cách giải quyết cụ thể, phù hợp vì không phải thực tế ở địa phương nào cũng giống địa phương nào và đặc biệt phải có những hành động cụ thể, quyết liệt, không giảng giải, thuyết lý nhiều, không nói chung chung, nói suông, hoặc nói rồi để đấy, nói một đằng lại làm một nẻo…
Trong mỗi chuyến công cán, dù thời gian có sít sao, eo hẹp đến mấy, việc thị sát thực tế luôn là công việc được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dành thời gian thích đáng. Mỗi lần đến địa phương, thăm bà con ở vùng quê nghèo, việc đầu tiên mà Phó Thủ tướng làm là vào gian bếp của người dân, bởi theo Phó Thủ tướng “có vào bếp mới biết được thực tế việc ăn uống, sinh hoạt của bà con như thế nào”.
Những lần công tác vùng cao Tây Bắc, trong lúc nghỉ chân ăn sáng hoặc ăn trưa trên đường, như một phản ứng rất tự nhiên ở một con người giàu lòng nhân ái, khi nhìn thấy hoặc gặp các cụ già, em nhỏ, những phụ nữ gánh củi, địu con, gùi hàng… Phó Thủ tướng luôn chủ động tới thăm hỏi họ về tình hình đời sống, tìm hiểu về mong muốn của đồng bào và thường tặng họ một món quà nhỏ, có thể là hiện vật hoặc một vài chục, trăm nghìn từ chính tiền lương của mình và ông thường nói: “Số tiền gửi tặng đồng bào tuy không lớn nhưng đây là tình cảm, tấm lòng. Đồng bào có thể mua được một ít gạo, ít thức ăn và sẽ cảm thấy ấm lòng”.
Những cháu nhỏ trong các trại mồ côi, các nháu nhỏ không may mắn bị tật bệnh hoặc mang trong mình virus HIV cũng luôn được Bác Hai Nghĩa dành cho tình yêu thương đặc biệt với cử chỉ yêu thương trìu mến và sự vỗ về, an ủi chân thành. Có những trại trẻ mồ côi, cơ sở nuôi dưỡng các cháu nhỏ bị nhiễm HIV được Phó Thủ tướng tới thăm và làm việc nhiều lần, hình ảnh của ông Hai đã quá đỗi quen thuộc trong những ánh mắt trong veo, giọng nói líu lo, reo vui khi gặp Bác của trẻ thơ: “Ông Hai tới! Ông Hai tới cho kẹo, cho quà, đồ chơi…”
Một hành động nhỏ của Phó Thủ tướng mà tôi được tận mắt chứng kiến những đã để lại ấn tượng, sự xúc động rất mạnh đối với lãnh đạo các bộ, ngành tháp tùng Phó Thủ tướng, nhất là đối với Giám đốc quốc gia Chương trình điều phối của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS tại Việt Nam lúc đó - ông Eamonn Murphy. Đó là vào Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6/2009, khi tới thăm các cháu nhỏ không may mang trong mình virus HIV tại Trung tâm Giáo dục lao động số II Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã không ngần ngại cởi giày và ngồi bệt xuống nền nhà để cùng hòa chung niềm vui với các cháu. Trong niềm xúc động, ông đã nói: “Các cháu nhỏ bị nhiễm HIV/AIDS vừa mang trong người virus HIV vừa thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Đó là những thiệt thòi của các cháu không gì có thể bù đắp được. Vì vậy, mỗi chúng ta cần dành cho các cháu, cho những người nhiễm HIV càng nhiều sự quan tâm càng tốt”.
Các cháu nhỏ mồ côi, chịu thiệt thòi luôn nhận được tình thương yêu trìu mến như một người ông của Phó Thủ tướng. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Hình ảnh đẹp về buổi gặp gỡ các cháu nhỏ thiệt thòi hôm ấy của Phó Thủ tướng đã được ông Eamonn Murphy đề nghị cho sử dụng để đăng tải lên các Website, các trang tin về phòng chống AIDS của các tổ chức quốc tế bởi theo ông Eamonn Murphy, đó là: “Hình ảnh sinh động nhất, tiêu biểu nhất về sự hòa đồng, gần gũi, không kỳ thị với người nhiễm HIV.
Không chỉ những người yếu thế, mà những người một thời lầm lỗi vướng vào lao lý, gông tù; những người vướng vào tệ nạn, nghiện ngập ma túy cũng luôn được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dành sự quan tâm đặc biệt trong các chuyên đi kiểm tra, thị sát với tất cả sự cởi mở, những lời động viên như: “Phải quyết tâm cao và phải có nghị lực lớn, vượt lên số phận để làm lại từ đầu”. Phó Thủ tướng cũng thường xuyên căn dặn những cán bộ giáo dưỡng, những người quản giáo phải “cảm hóa, giáo dục những người lầm lỗi bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm và tình yêu thương con người”.
Trong những năm tháng Bác Hai Nghĩa được Đảng và Nhà nước cho nghỉ chế độ, về vui thú điền viên, sống tại quê nhà Bến Tre, chúng tôi, những người giúp việc, những người trực tiếp một thời được phục vụ Bác, mỗi lần về quê thăm Bác, luôn được Bác đón tiếp rất niềm nở với những lời thăm hỏi ân cần và bao giờ cũng được Bác Hai cho thưởng thức những món hoa trái tươi ngon do Bác trực tiếp vun trồng chăm bón tại vườn nhà như bưởi da xanh, cam, xoài, vú sữa, thanh long… và đặc biệt rất hay được Bác Hai chiêu đãi món ăn đặc sản vùng miền đó là món bánh xèo Nam Bộ do chính những người thân trong gia đình Bác làm.
Những bữa ăn được Bác chiêu đãi, dù ở Hà Nội, hay ở quê hương Bến Tre; dù lúc Bác đương chức hay khi Bác đã nghỉ hưu, luôn khiến chúng tôi cảm nhận được sự “chu đáo” của Bác qua hành động ân cần gắp cho mọi người từng miếng bánh, cọng rau… với nụ cười đôn hậu, trìu mến luôn nở trên môi.
Dẫu biết rằng sinh-tử là quy luật tạo hóa muôn đời và cũng biết được tình hình sức khỏe của Bác không tốt trong những ngày gần đây nhưng nhận được tin Bác mãi mãi ra đi đã để lại trong tôi sự bàng hoàng và nỗi buồn khôn nguôi. Xin được dâng nén tâm nhang kính cẩn vĩnh biệt Bác Hai Nghĩa, cầu cho Bác được an giấc ngàn thu; “thanh thản, an nhiên và phiêu lưu nơi miền cực lạc” – như chính một phần câu nói lúc sinh thời mà Bác thường căn dặn đồng chí, cấp dưới của mình tại nhiều Hội nghị là: “Cán bộ, đảng viên đừng làm những gì mờ ám, trái với lòng mình, nếu làm trái thì chết đi sẽ không được thanh thản, an nhiên và phiêu lưu nơi miền cực lạc”./.