Bắc Ninh: Người nghiện giảm xuống 20% sau điều trị Methadone
Sau gần 2 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có chiều hướng giảm. Chỉ điều trị sang tháng thứ 3, tỷ lệ nghiện ma túy giảm xuống còn 54,5%, sau khi điều trị tháng thứ 6, giảm còn 46,6% và sau 12 tháng điều trị chỉ còn 20%.
Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone - Ảnh minh họa |
Ngay sau khi Đề án điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được phê duyệt, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông, trong đó tập trung tuyên truyền về cách thức tham gia, địa điểm triển khai, lợi ích, hiệu quả để người dân biết và ủng hộ, đồng thời động viên, khuyến khích các đối tượng có nhu cầu tích cực tham gia điều trị.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết tháng 8/2016 lũy tích số bệnh nhân điều trị tại cơ sở là 641, số bệnh nhân hiện tại đang được điều trị là 418. Số bệnh nhân ra khỏi chương trình là 223. Bệnh nhân có tuổi sử dụng ma túy lần đầu tiên thấp nhất là 15 tuổi và cao nhất là 45 tuổi. Thời gian sử dụng ma túy (từ khi dùng tới khi đăng ký tham gia điều trị) ít nhất là 2 tháng và nhiều nhất là 20 năm.
Từ tháng 5/2016, để thuận lợi cho việc tiếp cận điều trị của bệnh nhân và đạt mục tiêu điều trị cho 500 bệnh nhân, tỉnh mở thêm Cơ sở cấp phát thuốc tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề hướng thiện, phục vụ cho bệnh nhân tại 3 huyện Gia Bình, Lương Tài và Quế Võ đã điều trị duy trì tại Cơ sở điều trị Methadone ở Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đồng thời, giới thiệu đối tượng của Trung tâm Giáo dục dạy nghề hướng thiện lên điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho đến khi điều trị duy trì sẽ tiếp nhận lại.
Chương trình điều trị thay thế Methadone mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, hơn 50% bệnh nhân sau điều trị đã tăng cân, những người có tác dụng phụ trong giai đoạn duy trì giảm nhiều lần so với giai đoạn dò liều, không có bệnh nhân tử vong, ngộ độc do Methadone trong quá trình điều trị.
Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy, hơn 80% bệnh nhân trước khi điều trị có hành vi vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản để lấy tiền mua ma túy; sau điều trị tỷ lệ phạm tội của bệnh nhân giảm nhiều, từ 80% xuống còn 60% sau 3 tháng và sau 6 tháng còn 25%.