Bắc Ninh: Nguy cơ đồng nhiễm Lao ở bệnh nhân HIV
Khi virus HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch thì càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Lao ở người nhiễm HIV. Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tích cực, đồng nhiễm Lao/HIV sẽ khiến cho sức khỏe người bệnh nhanh chóng suy giảm và có thể mắc thêm nhiều bệnh lý nhiễm trùng cơ hội khác. Đó là lý do vì sao bệnh Lao được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người nhiễm HIV.
Bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh động viên tinh thần và tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV
Khi nhiễm cả HIV và bệnh Lao sẽ được gọi là đồng nhiễm HIV và Lao. Lao tiềm ẩn có nhiều khả năng tiến tới bệnh Lao hoạt động ở người nhiễm HIV hơn ở người không nhiễm HIV; đồng thời, bệnh Lao cũng có thể có biểu hiện nặng nề hơn ở những người nhiễm HIV hay có thể làm cho tình trạng nhiễm HIV trở nên xấu đi. Tại Bệnh viện Phổi tỉnh, mỗi năm tiếp nhận điều trị khoảng 3 trường hợp bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV.
Bác sĩ Đoàn Thị Hạnh, Phụ trách Khoa Lao ngoài phổi - Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Thông thường, tất cả các bệnh nhân mắc Lao đều được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV. Nếu bệnh nhân đã xét nghiệm khẳng định dương tính với HIV sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến cơ sở điều trị ARV. Bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV sau khi điều trị Lao khoảng 2 tuần sẽ được giới thiệu đến cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, người có gần 20 năm tiếp xúc với bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV cho biết: So với giai đoạn đầu bùng phát dịch HIV/AIDS, những năm gần đây số lượng bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV giảm hẳn, mỗi năm chúng tôi chỉ tiếp nhận một vài ca song điều đáng nói là phần lớn bệnh nhân đồng nhiễm được phát hiện một cách tình cờ, nhiều người bệnh khi được hỏi đều nói không rõ nguồn lây HIV của mình.
Theo chia sẻ của các bác sĩ, hoàn cảnh sống của mỗi bệnh nhân không ai giống ai, song vẫn có điểm chung thường thấy là kinh tế khá khó khăn. Thể trạng yếu, đột ngột lại biết mình mắc thêm “căn bệnh thế kỷ”, tâm lý và phản ứng của mỗi bệnh nhân hầu hết là hoang mang, thậm chí tuyệt vọng. Để bệnh nhân có thể tiếp nhận thông tin và phối hợp trong điều trị, kinh nghiệm tư vấn của các y bác sĩ là tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện sống của bệnh nhân, chia sẻ, đồng cảm với họ, khéo léo dẫn dắt vào chủ đề chính. Vì nội dung thông tin nhạy cảm nên đối với những bệnh nhân không hợp tác, cán bộ y tế tìm người nhà thân cận của họ để có hướng tiếp cận.
Ở nhiều bệnh nhân, việc bị nhiễm một trong 2 bệnh Lao hoặc HIV đã khiến họ tự ti, giấu bệnh, e dè khi đi khám, do đó, khi đến cơ sở y tế bệnh đã diễn biến nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị. Nếu bệnh nhân đồng nhiễm Lao/HIV, công tác điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều do việc điều trị đồng thời cả thuốc kháng Lao và thuốc kháng virus (ARV) dễ ảnh hưởng tới tuân thủ điều trị, làm gia tăng tương tác thuốc cũng như tăng nguy cơ gây độc tính đối với gan.