Bắc Ninh tích cực phòng, chống mại dâm
Trong những năm qua, Bắc Ninh phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, song cũng tiềm ẩn phức tạp về tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng.
Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (trong đó có trên 850 nhà nghỉ, khách sạn; gần 700 quán karaoke, cơ sở xông hơi, massage; gần 450 quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn) với trên 3.500 người lao động làm việc tại các cơ sở này.
Một địa điểm hoạt động mại dâm được lực lượng chức năng Bắc Ninh triệt phá đầu năm 2020. Ảnh CAND |
Triển khai công tác phòng, chống mại dâm, 5 năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức 51 buổi tọa đàm, truyền thông phòng chống mại dâm tại xã, phường, thị trấn cho gần 10 nghìn lượt người; tổ chức 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng chống mại dâm cho gần 3 nghìn lượt cán bộ, tình nguyện viên làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội cấp xã và hơn 200 cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; cấp phát hơn 114 nghìn tờ rơi, 1500 sổ tay, lắp đặt, sửa chữa 40 panô khổ lớn tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại khu đông dân cư. Sở Y tế truyền thông phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho hơn 2,5 triệu lượt người, cấp phát hơn 7,5 nghìn tạp chí AIDS, gần 250 nghìn bao cao su. Sở Giáo dục và Đào tạo truyền thông công tác phòng chống mại dâm tại các trường học được 880 buổi cho 600 nghìn lượt học sinh, sinh viên gắn làm 6.400 pa nô, áp phích, tờ rơi. Mặt trận Tổ Quốc các cấp xây dựng được 254 mô hình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS; tổ chức 3,6 nghìn buổi Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân ở 732 khu dân cư (100%) với trên 292 nghìn người tham gia…
Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố cũng tích cực phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở. Cụ thể, các địa phương đã phối hợp với ngành LĐTBXH, Công an tỉnh chỉ đạo các cơ sở rà soát, đánh giá nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc tệ nạn mại dâm như thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm để quản lý, nắm chắc di biến động, có phương án giải quyết tạo việc làm, giúp họ tham gia vào các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng chống HIV/AIDS. Giai đoạn 2016-2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 10 nghìn nữ lao động nông thôn, trong đó có 116 người trong độ tuổi từ 18 - 30 được vay vốn qua chương trình giảm nghèo, có việc làm phù hợp.
Thực hiện các hoạt động can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm, hàng năm, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên của 126 Trạm y tế xã, phường, thị trấn những kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS. Phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và phòng ngừa bạo lực giới cho nhân viên, chủ các cơ sở kinh doanh; tổ chức tư vấn, khám, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại các bệnh viện, Cơ sở cai nghiện ma túy; cấp phát miễn phí tạp chí về HIV/AIDS, bao cao su. Sở LĐTBXH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống mại dâm cho cán bộ LĐTBXH, Đội công tác xã hội tình nguyện của 126 xã, phường, thị trấn.
Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng, duy trì 106 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, góp phần giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS; thành lập 126 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, 16 Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng đặt tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn lồng ghép vào Dự án “Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán”. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm hoàn lương cùng với Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Nhằm kiềm chế và tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm. Trong 05 năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý kịp thời 120 tin tố giác, tiến hành bắt giữ, điều tra xét xử 126 vụ mại dâm/148 bị cáo. Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm (Đội 178) các cấp đã kiểm tra, phối hợp kiểm tra được 815 lượt cơ sở, phát hiện 131 lượt cơ sở vi phạm, đề nghị xử lý rút giấy phép kinh doanh 126 lượt cơ sở, đình chỉ kinh doanh và phạt hành chính 05 lượt cơ sở.
Có thể thấy, với sự nỗ lực của các Sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cơ sở, việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện tại, tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, không có tụ điểm phức tạp về mại dâm.
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021-2025, các Sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa công tác phòng, chống mại dâm vào chương trình công tác hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi người dân và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn mại dâm. Tập trung xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động các điểm tư vấn, hỗ trợ, điều trị cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán; Đội công tác xã hội tình nguyện ở cấp xã, phường, thị trấn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về. Tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm mại dâm, tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm…