Bác sĩ và những trăn trở về trẻ vị thành niên nhiễm HIV
Đối với những đứa trẻ bình thường vốn đã dễ bị tổn thương, khi mang trong mình bệnh HIV, trẻ càng trở nên dè dặt, xa lánh cộng đồng, người thân, dẫn đến có thể bỏ điều trị.
Đây cũng là một trong nhiều trăn trở, lo âu của các y bác sĩ điều trị cho các bệnh nhi, nhất là khi các em bước vào lứa tuổi vị thành niên, nguy cơ lây nhiễm cho những người khác càng cao.
Dang dở hành trình điều trị HIV
"Uống thuốc xong con cũng thấy bình thường, tự tin hơn chút xíu. Vì uống vào buổi tối không ai biết, nếu uống buổi sáng thì sẽ có người hỏi. Khi giao tiếp với mọi người cũng thấy thoải mái, không bị kỳ thị".
Tư vấn cho bệnh nhân điều trị HIV
Chia sẻ của bệnh nhi T.T.Hân (15 tuổi) khiến chị Phạm Thị Lụa, nhân viên xã hội, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 xúc động mỗi lần phát thuốc điều trị HIV cho các em. Bố mẹ Hân đã qua đời vì mắc HIV/AIDS, em ở với gia đình chú ruột. May mắn được quan tâm, Hân kiên trì uống thuốc ở Bệnh viện Nhi đồng 1 từ nhiều năm nay và được các bác sĩ tư vấn tâm lý để hòa nhập cộng đồng.
Thế nhưng không phải bệnh nhi nào cũng được như Hân. Chị Phạm Thị Lụa cho biết, “bỏ điều trị” là điều mà các y bác sĩ chăm sóc cho trẻ có HIV lo lắng nhất, vì sẽ dẫn tới hàng loạt nguy cơ cho sức khỏe, như giảm miễn dịch, mắc nhiều căn bệnh, bị lờn thuốc, dẫn đến tử vong …
Theo chị Phạm Thị Lụa, khi mới phát hiện trẻ mắc HIV, các phụ huynh đưa con đi điều trị đều đặn, nhưng sau đó nản nên đi không đều và dần dần nhiều người đã bỏ cuộc. Các nhân viên xã hội, điều dưỡng phải tích cực tìm đấu mối liên hệ, từ việc lần theo địa chỉ khai báo, số điện thoại để trò chuyện, thuyết phục hoặc thông qua các nhóm đồng đẳng tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em quay trở lại để uống thuốc. Nhiều người cho hay do việc tái khám hàng tháng, uống thuốc hàng ngày phải đúng giờ nên đã làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm, vì vậy một số gia đình lơ là, lâu dần bỏ điều trị. Có những trường hợp bỏ điều trị thời gian dài mới quay lại tái khám, đến lúc này tình trạng bệnh nhi đã trở nặng.
"Thứ nhất là ba mẹ bận rộn không chăm sóc con rồi gửi cho ông bà, ông bà không lo được, hoặc ba hoặc mẹ mất thì để cho ông bà, ông bà lớn tuổi không đưa đi được. Còn có trường hợp là ba mẹ không hợp tác, không muốn điều trị", chị Lụa cho biết.
Nguy cơ gia tăng lây nhiễm HIV ở tuổi dậy thì
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, phòng khám ngoại trú dành riêng cho trẻ có HIV đầu tiên tại TP HCM được thành lập vào năm 2005. Hiện khoa Nhiễm – Thần kinh của bệnh viện đang điều trị cho 375 trẻ bị HIV, độ tuổi từ 1 tháng đến dưới 20 tuổi, là những trẻ lây nhiễm HIV từ bụng mẹ, hoặc bị xâm hại, vô tình mắc HIV, hoặc bị lây qua con đường quan hệ tình dục…
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Quyền trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khi đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý của trẻ trở nên nhạy cảm hơn, nên khi biết bản thân mắc bệnh, nhiều trẻ thường rơi vào tâm trạng tiêu cực, sống bất cần đời. Đặc biệt nhiều em chia sẻ rằng cha mẹ cũng đã chết vì HIV nên không còn hy vọng sống, trở nên chán nản, sống buông thả, quan hệ tình dục sớm và lây nhiễm cho bạn tình.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các ca lây nhiễm HIV do quan hệ đồng giới nam gia tăng ở lứa tuổi học sinh. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 4-5 trường hợp bệnh nhi mắc HIV do quan hệ đồng tính nam, chủ yếu là các em từ 14-15 tuổi. Đây là một tình trạng đáng báo động.
Theo bác sĩ Quy, việc điều trị cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải có người giám hộ và giấy tờ cá nhân của các em đều do gia đình giữ. Tuy nhiên, những trẻ này không dám công khai giới tính thật, quan hệ tình dục đồng tính lén lút cho đến khi nhiễm bệnh. Vì vậy hầu hết khi mắc bệnh các em nhỏ đều không dám nói thật với gia đình, càng không cho nguyên nhân lây bệnh. Nhiều trẻ còn “dọa” bác sĩ là sẽ bỏ điều trị nếu bác sĩ liên hệ với gia đình. May mắn là cùng với bác sĩ còn có các nhóm giáo dục đồng đẳng cùng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các em. Sau quá trình điều trị tại bệnh viện, các em sẽ được chuyển về phòng khám dành cho người lớn có HIV tại các quận, huyện.
Một số trường hợp không có giấy tờ tùy thân nên tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau đó được giới thiệu về các phòng khám đa khoa, được các nhóm đồng đẳng hỗ trợ. Với sự tài trợ của Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh viện cũng tổ chức hướng nghiệp, tư vấn cho các em.
"Có em thì mình dạy đầu tiên phải biết dự phòng, thời gian sau thì xem xét có hợp nhau hay không, mới tiến tới xa hơn. Với lại tuổi này chưa thể tiến tới hôn nhân, chưa thể kết hôn. Mình phải hướng nghiệp để các em học, nếu có yêu đương thì phải biết bảo vệ lẫn nhau, chứ đừng lây lan ra cộng đồng", bác sỹ Quy nói.