Băng nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại

13/08/2018 10:52

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an nhận định, hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường.

Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động "tín dụng đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước.

Tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ sử dụng vũ khí nóng gây án nghiêm trọng; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (68,5%), riêng tội phạm trộm cắp chiếm khoảng 45%, hình thành nhiều băng nhóm, đường dây trộm cắp với thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tính lưu động cao nên việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn.

Với nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, nổi lên những vấn đề đáng lưu ý như: Từ năm 2016 đến nay, trung bình 1 năm xảy ra gần 100 vụ giết người cướp tài sản; 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội (có 60-70% là do bột phát, nhất thời; khoảng 17% là các vụ người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; trên 10% các vụ giết người do mâu thuẫn trong khi sử dụng rượu bia, tham gia giao thông…).

Đặc biệt, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...) gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó xuất hiện ngày càng nhiều các vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp ("ngáo đá") gây ra.

Tội phạm cố ý gây thương tích diễn ra phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, trong đó xảy ra nhiều vụ các nhóm đối tượng lưu manh côn đồ, thanh, thiếu niên sử dụng hung khí, vũ khí đâm chém nhau tại các địa bàn công cộng, gây bất an trong nhân dân.

Thống kê từ năm 2015 đến tháng 5/2018 cho thấy, toàn quốc xảy ra 4.187 vụ, liên quan đến 14.415 đối tượng tụ tập, gây rối, truy sát, trả thù lẫn nhau làm 264 người chết, 3.280 người bị thương.

Tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ trẻ em diễn ra phức tạp. Trên 90% số vụ là mua bán người ra nước ngoài, trong đó 70% là mua bán sang Trung Quốc. Phạm vi địa bàn xảy ra tội phạm ở khắp 63 tỉnh, thành phố (nạn nhân bị mua bán có trên 85% là phụ nữ, trẻ em; 6,63% là học sinh, sinh viên).

Tội phạm hiếp dâm vẫn xảy ra nhiều, nhất là hiếp dâm trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Trung bình 1 năm xảy ra 730 vụ, trong đó có 430 vụ hiếp dâm trẻ em.

6 tháng đầu năm 2018 phát hiện 3.110 đối tượng tội phạm là trẻ vị thành niên, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2017. Điều này cho thấy tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, trong đó có nhiều vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hầu hết các đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái, dẫn đến bị dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã, bỏ nhà sống lang thang…

Quyết liệt tấn công trấn áp tội phạm

Công tác tấn công trấn áp tội phạm được triển khai quyết liệt hơn, tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% (riêng án giết người đạt 94,36%, hiếp dâm đạt 92,97%, hiếp dâm trẻ em đạt 99,02%...) về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ.

Từ năm 2016 đến nay lực lượng Công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm tấn công trấn áp trên phạm vi toàn quốc; triển khai hàng chục kế hoạch đấu tranh với tội phạm theo các chuyên đề giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó tập trung đấu tranh mạnh với các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự, không để hình thành các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” (trung bình 1 năm triệt phá khoảng 2.000 băng nhóm các loại); nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự cơ bản đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Do triển khai quyết liệt các biện pháp công tác nên đã kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm hình sự (năm 2016 số vụ phạm pháp hình sự giảm 4,23% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3,02% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước), góp phần giữ vững ổn định tình hình trật tự xã hội, phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác tấn công trấn áp tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đủ mạnh và còn nhiều bất cập, bố trí lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm có một số điểm chưa hợp lý, nhất là các lực lượng trực tiếp chiến đấu ở địa bàn cơ sở chưa được tăng cường đủ mạnh, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ chưa đáp ứng yêu cầu. Trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn; cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ các mặt công tác, chiến đấu còn nhiều khó khăn...

Khó khăn nữa là công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập, kỷ cương pháp luật chưa nghiêm; nhiều mâu thuẫn tích tụ trong nhân dân chưa được giải quyết kịp thời.

Chiều nay (13/8), từ 14 giờ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn của Thường vụ Quốc hội. Các nhóm vấn đề được nêu ra gồm: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy; công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ sẽ điều hành phần chất vấn này. "Chia lửa" với người đứng đầu ngành Công an có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

}
Top