Bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh
Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến có đề xuất các biện pháo bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Theo đó, để bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh cần thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử giới, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
Nâng cao hiệu lực thi hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên. Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực xã hội bảo đảm sự bình đẳng giới trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, thừa kế.
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo dự thảo Luật dân số, Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên.
Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực hiện bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh, định kỳ 2 năm một lần. Cơ quan Thống kê Trung ương chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về dân số công bố các dự báo, số liệu về mất cân bằng giới tính khi sinh theo thẩm quyền, định kỳ 2 năm một lần.
Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế liên quan đến tập quán sinh hoạt không có hành vi phân biệt đối xử giới; thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Cộng đồng dân cư tham gia xây dựng và thực hiện quy định không lựa chọn giới tính thai nhi, không phân biệt đối xử giới trong hương ước, quy ước và tiêu chuẩn của cuộc vận động xây dựng gia đình, làng bản văn hóa.
Các thành viên trong gia đình, dòng họ tạo điều kiện để cặp vợ chồng, cá nhân sinh con được thoải mái về tư tưởng, không đe dọa, uy hiếp tinh thần để ép buộc cặp vợ chồng, cá nhân sinh con trai, con gái hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi; không có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh chỉ con trai hoặc sinh chỉ con gái. Quan trọng là, cặp vợ chồng, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình), sau 1 năm thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2020, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam thay đổi không đáng kể: Từ 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) còn 112,2/100 (theo điều tra biến động dân số 2016).
10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.
Dự báo đến năm 2050 khoảng 2,3 đến 4,3 triệu nam giới Việt Nam không thể tìm được vợ để kết hôn.