Bảo đảm cung ứng thuốc trong điều trị và dự phòng HIV

16/09/2020 10:12

TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, để tạo ra một thị trường cung ứng thuốc đầy đủ cho người nhiễm HIV/AIDS với giá thành hợp lý giúp người bệnh HIV có thể duy trì điều trị suốt đời, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp dược...

Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Trong công tác điều trị, việc tối ưu hóa phác đồ điều trị ARV rất quan trọng, TS.BS Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, đây là nỗ lực để có được phác đồ ARV đơn giản, hiệu quả, an toàn và đủ khả năng chi trả cho người bệnh nhằm tăng cường sự tiếp cận của người nhiễm HIV. Các phác đồ ARV cần dễ sử dụng cho phụ nữ, trẻ em, các nhóm bệnh nhân đồng nhiễm với lao, viêm gan B...; và các quốc gia cần nỗ lực bảo đảm cho người nhiễm HIV được tiếp cận với các thuốc ARV có hiệu quả, an toàn mà vẫn bảo đảm chi phí thấp.

Về việc mở rộng điều trị và lộ trình tối ưu hóa phác đồ điều trị thuốc ARV, TS Đỗ Thị Nhàn, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đến 30/6/2020, nước ta đã có gần 150.000 người đang điều trị ARV. Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030 sẽ tiếp tục mở rộng điều trị thuốc ARV. Theo đó, năm 2021, sẽ có 163.000 người và đến năm 2025 sẽ có 190.000 người được điều trị ARV.

Hiện nước ta có 22 loại thuốc ARV đang được sử dụng điều trị HIV/AIDS (theo Quyết định 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019), trong đó 21 thuốc dùng trong điều trị nhiễm HIV (11 thuốc dùng cho người từ 10 tuổi trở lên và 10 thuốc dùng cho trẻ dưới 10 tuổi) và 1 thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Sau khi loại trừ thuốc LNZ, TLE 600 còn lại 19 thuốc, trong đó có 9 thuốc dành cho người lớn.

Định hướng loại bỏ phác đồ không còn hiệu quả như LNZ trong điều trị HIV/AIDS, TS Nhàn cho biết, đến tháng 12/2018, có 13.890 người đang dùng LNZ, nhưng đến tháng 6/2020, chỉ còn 4.722 người, đến tháng 7/2021 còn 1.146 tháng 2/2022 sẽ kết thúc phác đồ có LNZ.

Không chỉ những người nhiễm HIV/AIDS phải sử dụng thuốc liên tục suốt đời mà những người có nguy cơ cao nhiễm HIV cũng sẽ được dùng thuốc điều trị dự phòng để ngăn ngừa lây nhiễm HIV (PrEP).

TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, PrEP là kết hợp của hai loại thuốc ARV và sẽ được coi như mũi nhọn của biện pháp dự phòng trong chương trình phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 10 năm tới. Với khoảng 9.000 người đang được điều trị, không có trường hợp nào bị nhiễm HIV trong giai đoạn điều trị dự phòng liên tục. Số lượng này sẽ tăng lên 64.000 người vào năm 2025.

Kết quả của các biện pháp điều trị ARV đã góp phần không nhỏ, khống chế gần nửa triệu người không bị lây nhiễm HIV và gần 200.000 người tránh được tử vong do HIV/AIDS. Với những bằng chứng khoa học và hiệu quả điều trị ARV thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một lộ trình tăng tưởng bệnh nhân hàng năm để ngày càng nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận và tiếp cận sớm với điều trị, giúp sớm khống chế và chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

}
Top