Bảo đảm điều trị Methadone bền vững cho bệnh nhân khi giãn cách xã hội

25/08/2021 17:10

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm điều trị xuyên suốt, an toàn cho bệnh nhân điều trị Methadone trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế chủ động nhiều biện pháp, vừa bảo đảm việc điều trị Methadone cho bệnh nhân, vừa tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Methadone được coi là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Ảnh: Thùy Chi

Tăng cường phòng, chống COVID-19 cho bệnh nhân điều trị Methadone

Để bảo đảm điều trị bền vững và an toàn cho bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, ngay khi dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có những ứng phó kịp thời, ban hành những hướng dẫn cụ thể để các cơ sở điều trị Methadone trên toàn thành phố thực hiện theo quy định, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho bệnh nhân điều trị Methadone.

TS. Cảnh cho hay, đáp ứng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong tình hình mới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đưa ra những giải pháp, hướng dẫn cụ thể để ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm sự liên thông và phối hợp, hỗ trợ của các cơ sở y tế trên địa bàn trong chuyển tiếp và cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Đồng thời, bảo đảm duy trì điều trị hàng ngày cho người bệnh và bảo đảm thực hiện công tác phòng chống dịch COVID – 19 tại các cơ sở điều trị Methadone tại cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Cụ thể, tại Công văn 362/AIDS-DP ngày 13/5/2021 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã đưa ra những hướng dẫn rất chi tiết đối với 3 trường hợp.

Trường hợp cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh bị cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế: Việc cấp phát thuốc cho người bệnh thực hiện theo quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh Methadone nằm điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 15 Thông tư số 14/2015/TT-BYT. Tùy thuộc điều kiện cụ thể và nhân lực của từng cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc, số lượng người bị cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và khoảng cách từ cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cách ly, cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc sẽ quyết định số liều lượng thuốc mang theo mỗi lần cấp phát cho người bệnh, bảo đảm tổng số thuốc mang đi không quá 07 ngày điều trị/1 người bệnh (Thông tư số 52/2017/TT-BYT).

Trường hợp thứ hai, cấp phát thuốc cho người bệnh Methadone bị cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung: Quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh bị cách ly thực hiện theo quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh không thể đến cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày theo quy định tại Khoản 4, Điều 15 Thông tư số 14/2015/TT-BYT. Người giao thuốc Methadone của cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc phối hợp với nhân viên y tế của cơ sở cách ly tập trung giám sát việc uống thuốc của người bệnh và ký xác nhận vào phiếu theo dõi điều trị cùng người bệnh.

Tùy thuộc điều kiện cụ thể và nhân lực của từng cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone, số lượng người bị cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và khoảng cách từ cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc đến địa điểm cách ly, cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone sẽ quyết định số liều lượng thuốc mang theo mỗi lần cấp phát cho người bệnh, bảo đảm tổng số thuốc mang đi không quá 7 ngày điều trị cho mỗi người bệnh (Thông tư số 52/2017/TT-BYT).

Vỏ lọ đựng thuốc Methadone sau khi sử dụng được đơn vị cách ly tập trung thu lại và bàn giao trả lại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone khi nhận đợt thuốc mới hoặc sau khi kết thúc thời gian cách ly của người bệnh.

Đối với trường hợp cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh cách ly tại nhà: Quy trình cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh thực hiện theo quy trình cấp phát thuốc cho người bệnh không thể đến cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 14/2015/TT-BYT.

Trường hợp địa phương có nhân viên y tế hỗ trợ theo dõi người bệnh được cách ly tại nhà: Người giao thuốc Methadone của cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc phối hợp với nhân viên y tế này giám sát việc uống thuốc Methadone của người bệnh và ký xác nhận vào Phiếu theo dõi điều trị cùng người bệnh. Vỏ lọ đựng thuốc Methadone sau khi sử dụng thu lại và bàn giao trả lại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc Methadone khi nhận đợt thuốc mới.

Trong trường hợp cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc bị phong tỏa, cách ly, Sở Y tế tỉnh/thành chỉ đạo cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine bị phong tỏa hoặc cách ly thực hiện việc chuyển tiếp người bệnh đang tham gia điều trị tại cơ sở mình đến cơ sở điều trị hoặc cơ sở cấp phát thuốc gần nhất, tạo điều kiện tối đa cho người bệnh tiếp tục tham gia điều trị. Hạn chế việc chuyển tiếp điều trị cho người bệnh tham gia điều trị Methadone/Buprenorphine đến hoặc đi từ vùng có dịch COVID-19…

Bảo đảm cho bệnh nhân được duy trì điều trị hàng ngày

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhất là khi biến chủng Delta nguy hiểm xuất hiện ở nước ta, làm cho các ca lây nhiễm COVID-19 lây lan nhanh chóng, lan rộng tại một số tỉnh thành, đặc biệt TPHCM và Bình Dương là hai tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Để kiểm soát tình hình dịch COVID-19, TPHCM và Bình Dương đang phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí tại TPHCM phải thực hiện các biện pháp khẩn, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, siết chặt kiểm soát đi lại và giãn cách triệt để từ 0h ngày 23/8 đến 06/9. Người dân thực hiện quy định giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố-ấp cách ly khu phố-ấp, phường-xã-thị trấn cách ly phường-xã-thị trấn. Nhằm bảo đảm cho người dân không bị lây nhiễm COVID-19, quân đội, công an, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, duy trì các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh, đi chợ thay cho người dân…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nên chủ trương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội tại TPHCM là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời. Việc siết chặt giãn cách xã hội được sự đồng lòng, ủng hộ của toàn bộ người dân trên địa bàn thành phố, người dân “ai ở đâu ở yên đó”, chỉ được phép ra ngoài khi thuốc đối tượng cho phép theo quy định.

Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, hàng ngày bệnh nhân điều trị Methadone đến các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc để nhận thuốc uống tại chỗ. Tại TPHCM hiện có khoảng 5.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone tại 24 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc Methadone. Để bảo đảm cho bệnh nhân được duy trì điều trị hàng ngày trong bối cảnh siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến 6/9, Trung tâm Kiển soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã chủ động cấp phát thuốc về nhà đủ 7 ngày cho các bệnh nhân điều trị Methadone vào ngày 22/8.

BS. Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, HCDC cho biết, các bệnh nhân đều đã nhận được đủ thuốc đến ngày 29/8. Để bảo đảm tiếp tục cấp thuốc cho các bệnh nhân vào ngày 30/8, chúng tôi đang dự kiến các phương án và khẩn trương xin ý kiến các cơ quan cấp trên có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, 3 phương án, bao gồm: 1. Tiếp tục cho bệnh nhân điều trị Methadone nhận thuốc điều trị 1 tuần/lần tại các cơ sở điều trị và các cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn. Nếu phương án này được phê duyệt thì cần phải bổ sung bệnh nhân điều trị Methadone là đối tượng được phép đi lại trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội. Khi đi bệnh nhân cần mang theo giấy hẹn ghi rõ ngày, giờ cụ thể nhận thuốc. 2. Bệnh nhân ở nhà và sẽ có lực lượng hỗ trợ, mang thuốc đến tận nhà cho bệnh nhân. Lực lượng hỗ trợ là nhân viên y tế mang thuốc đến tận nhà, hoặc tổ công tác đặc biệt, tổ COVID-19 cộng đồng hỗ trợ mang thuốc đến cho bệnh nhân, khi mang lương thực đến phát cho từng nhà. 3: Bệnh nhân không đến phòng khám, mà đến các điểm y tế dự phòng của phường, khu phố, nơi người dân đến tiêm vaccine để nhận thuốc. Trong trường hợp này nhân viên y tế của cơ sở điều trị hẹn giờ các bệnh nhân đến nhận thuốc. Các bệnh nhân khi đến phải mang theo giấy hẹn, sổ khám bệnh và tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Còn tại Bình Dương, địa phương đang điều trị Methadone cho khoảng trên 1.100 bệnh nhân thì vẫn đang duy trì điều trị theo công văn hướng dẫn 362/AIDS-DP của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

BS. Vương Thế Linh, Quản lý chương trình điều trị HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương cho biết, các bệnh nhân điều trị Methadone phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và tuân thủ theo các quy định, hướng dẫn của các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. “Bệnh nhân điều trị Methadone được phòng khám cấp giấy xác nhận để qua các chốt kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số chốt kiểm soát có yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính mới cho qua, và bệnh nhân điều trị phải trả tiền cho xét nghiệm này, việc này gây khó khăn cho bệnh nhân điều trị, vì đa phần họ là những người có hoàn cảnh khó khăn, nên phía CDC Bình Dương đang tham mưu Sở Y tế tỉnh hướng giải quyết”, BS. Linh cho hay.

BS. Vương Thế Linh cho biết thêm, với những bệnh nhân đang ở các khu cách ly hay phong tỏa thì nhân viên y tế hàng ngày mang thuốc Methadone đến cho bệnh nhân để bảo đảm duy trì liều. Tuy nhiên, theo BS. Linh, việc này về lâu dài sẽ khó vì hiện nay nhân lực cho công tác điều trị Methadone ít, trong khi đó số lượng bệnh nhân nhiều và nằm rải rác trên các địa bàn rộng. Có những bệnh nhân ở cách xa cơ sở điều trị đến 25-30 km.

Methadone giúp nhiều cuộc đời hồi sinh

Hơn 12 năm qua, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã giúp cho nhiều cuộc đời được hồi sinh. Methadone giúp người nghiện các dạng thuốc phiện giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng, giảm tử vong do sốc thuốc, giảm lây nhiễm HIV, viêm gan B, C, giúp những người nghiện ma túy cải thiện cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Với những lợi ích đó, nhiều người nghiện ma túy với quyết tâm thay đổi số phận, đã tham gia điều trị Methadone. Anh Trần Quốc Linh, 45 tuổi, trú tại quận 11, TPHCM cho biết, tham gia điều trị Methadone hơn 2 năm nay, nhờ Methadone anh đã được cải thiện sức khỏe, thay đổi cuộc sống và có được công việc làm ổn định. Vì vậy, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến anh rất lo lắng, lo ngại không có thuốc khi bị siết chặt giãn cách xã hội. Anh Linh mong muốn được tiếp tục điều trị, được uống thuốc hàng ngày để điều trị không bị đứt quãng.

Trước những lo ngại của những người nhiễm HIV trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để bảo đảm cho những bệnh nhân đang điều trị Methadone được điều trị bền vững, tháng 6/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố tiếp tục duy trì và mở rộng điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế trong bối cảnh COVID-19.

Theo đó, các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn bố trí đủ cán bộ cho việc thu dung thường xuyên, liên tục những người bệnh có nhu cầu tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone/ thuốc Buprenorphine trừ trường hợp các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc bị phong tỏa, cách ly hoặc người bệnh đi từ vùng dịch về.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị và thực hiện việc cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh trong trường hợp người bệnh bị cách ly hoặc cơ sở bị phong tỏa, cách ly do dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm bảo đảm việc duy trì điều trị của người bệnh.

Xác định công tác chống dịch COVID-19 là hoạt động lâu dài, do đó các tỉnh, thành không để ảnh hưởng đến các hoạt động cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine và điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến tháng 4/2021, chương trình Methadone đã được triển khai tại 343 cơ sở điều trị trên 63 tỉnh/thành phố, với gần 52 nghìn bệnh nhân đang được điều trị. Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, ngành Y tế đã triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh tại 03 tỉnh Điện Biên, Hải Phòng và Lai Châu. Tính đến ngày 7/5/2021, tổng số người bệnh được cấp thuốc Methadone nhiều ngày là 309 bệnh nhân.
Top