Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người nghiện dưới 18 tuổi khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

07/02/2022 12:08

(Chinhphu.vn) - Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết khi xét thấy không có biện pháp khác phù hợp hơn. Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người có thẩm quyền phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người nghiện dưới 18 tuổi khi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - Ảnh 1.

Bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ảnh minh họa

TAND Tối cao đang dự thảo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND.

Theo TAND tối cao, mục đích xây dựng dự thảo Pháp lệnh bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi. Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền con người, quyền của người dưới 18 tuổi; đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy.

Áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo vệ quyền của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp với tinh thần và nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của người dưới 18 tuổi.

Dự thảo pháp lệnh nêu rõ các nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết khi xét thấy không có biện pháp khác phù hợp hơn. Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người có thẩm quyền phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi chung là người bị đề nghị).

Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bí mật riêng tư của người bị đề nghị phải được tôn trọng và bảo vệ. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, còn một số vấn đề TAND Tối cao đang xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Điển hình như, về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh, quan điểm thứ nhất cho rằng, Pháp lệnh này chỉ nên quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND theo đúng quy định tại Điều 33 của Luật phòng, chống ma túy đã quy định.

Trong khi quan điểm thứ hai cho rằng, Pháp lệnh này ngoài việc quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND, thì cần phải quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại như quy định trong Dự thảo để bảo đảm áp dụng kịp thời, thống nhất, tránh việc tiếp tục phải ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.

Về thời hiệu áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (điểm b khoản 1 Điều 12), có ý kiến cho rằng, cần quy định thời hiệu áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Về bản chất đây là biện pháp hạn chế quyền công dân, nhất là đối với người dưới 18 tuổi, nếu hết thời hiệu kể từ ngày vi phạm mà chưa bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thì không được áp dụng biện pháp này.

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, không quy định thời hiệu vì biện pháp này không phải là biện pháp xử lý hành chính, cần coi việc nghiện ma túy đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là "bệnh" phải được chữa trị, cắt cơn nghiện. Do đó, đến thời điểm bị đề nghị cai nghiện bắt buộc mà người đó vẫn còn trong tình trạng nghiện ma túy và đủ căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Về hiệu lực thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (điểm a khoản 2 Điều 22), quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định thời hạn có hiệu lực thi hành của quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sau khi hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quan điểm thứ hai cho rằng, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực ngay sau khi được ban hành, đây là biện pháp có tính đặc thù, người nghiện ma túy cần được đưa đi cai nghiện ngay, mặc dù có thể bị kháng nghị. Quy định như vậy, bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng khi điều trị cho người bị nghiện ma túy.

Hoàng Giang

}
Top