Báo động tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục học đường
Mới đây, nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ tiếp tục đưa ra những con số đáng báo động về tình trạng quấy rối và xâm hại tình dục trẻ em tại các trường học. Nghiên cứu tại 30 trường học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có 11% số học sinh bị xâm hại tình dục ít nhất 1 lần.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tháng 5/2014, Nghiên cứu đánh giá thực trạng bạo lực giới trường học tại Hà Nội với 3.000 học sinh ở 30 trường học ở Hà Nội đã công bố con số 19% học sinh cho rằng đã từng bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục. Thông tin này đã khiến nhiều người bàng hoàng.
Trong nghiên cứu đó, tổng cộng đã có 32 cuộc thảo luận nhóm được thực hiện với học sinh, giáo viên, và phụ huynh. 18 cuộc phỏng vấn sâu được thực hiện với những người cung cấp thông tin chính bao gồm hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo Phòng giáo dục của các quận/huyện, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo; đại diện từ các tổ chức Liên Hợp Quốc và phi chính phủ, và lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội.
Nghiên cứu này nêu rõ: “Bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực giới) tại trường học gây tổn hại về tình dục, thể chất hoặc tinh thần cho em gái và em trai”.
Qua khảo sát, 41% đối tượng tham gia khảo sát cho biết, đã từng bị bạo lực thân thể, 73% bị bạo lực tinh thần, và 19% bị quấy rối/xâm hại tình dục ở trong trường học. Trong vòng 6 tháng qua, số học sinh bị bạo lực thân thể là 31%, bị bạo lực tinh thần là 65%, và bị quấy rối/ xâm hại tình dục là 11%.
Riêng thống kê về quấy rối và xâm hại tình dục tại trường học khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình. Nghiên cứu này chỉ ra số học sinh từng bị quấy rối và xâm hại tình dục ở trường là 19% (cả học sinh nam và nữ). Hình thức phổ biến nhất trong quấy rối và xâm hại tình dục mà các em học sinh đã từng bị là bị huýt sáo hoặc có những cử chỉ tục tĩu, chiếm đến 13%. Nhiều học sinh nữ (15%) bị loại hình bạo lực này hơn so với học sinh nam (10%). Số học sinh bị quấy rối và xâm hại tình dục ở khu vực thành thị (21%) nhiều hơn số học sinh này ở khu vực nông thôn (15%). Tương tự, nhiều học sinh THPT (23%) bị quấy rối và xâm hại tình dục hơn học sinh THCS (16%).
Trong buổi toạ đàm về quấy rối, XHTD trẻ em và bạo lực học đường, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho biết: “Các số liệu về bạo lực và lạm dụng tình dục tại Việt Nam và các nước Châu Á vẫn còn ít, tuy nhiên những bằng chứng hiện tại cho thấy tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục tại trường học và trên đường đến trường đang rất đáng báo động. Tại Việt Nam, 19% số học sinh từng bị quấy rối tình dục, 10% số học sinh từng bị bạo lực tình dục trong đó 81% là trẻ em gái; 17% số học sinh từng bị cưỡng hôn, 20% số học sinh từng bị động chạm không mong muốn”.
Mới đây, trong Hội thảo quốc tế “Hướng tới một ASEAN không còn bạo lực trên cơ sở giới - kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ về xây dựng và thực hiện chính sách”, diễn ra từ 10- 11/5 tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm CSAGA còn cho biết thêm: Theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ tại 30 trường phổ thông ở Hà Nội, có tới 11% số học sinh bị xâm hại tình dục ít nhất 1 lần. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của Trung tâm CSAGA tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP.HCM từ hơn 6 năm trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho hay, việc đánh giá bị xâm hại tình dục ở trẻ em có nhiều tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí đánh giá đó không đồng nhất. Ở Việt Nam tiêu chí đánh giá về vấn đề này khác hơn so với nước ngoài. Có một số nước ở Châu Âu, một người, một đứa trẻ bị xâm hại tình dục khi ai đó vỗ vào mông, chạm vào quần lót… Chính vì vậy, các tiêu chí đánh giá của tổ chức phi chính phủ tại 30 trường phổ thông ở Hà Nội chưa rõ ràng thì khó có thể đưa ra được một quan điểm, nhận xét cụ thể. Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu trẻ em trong nhà trường mà có tới 11% bị xâm hại tình dục thì cần phải nghiên cứu.
Trước mắt, chúng ta cần phải khảo sát, điều tra thực tế và cần phải có phương pháp giải quyết. Theo TS Lâm, để hạn chế việc này, không những ở trường mà cần phải có ý thức học hỏi, tìm hiểu từ cá nhân các học sinh. Sau đó, đến các bậc phụ huynh cũng cần phải có những kiến thức cơ bản để chia sẻ, định hướng cho con mình.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: “Để các em học sinh không bị lạm dụng tình dục không chỉ ở bản thân các em mà cần phải có sự hỗ trợ từ phía nhà trường, cô giáo và bản thân các bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ cần phải quản lý con cái một cách chặt chẽ hơn về việc sử dụng Internet. Không nên cho con để máy tính trong phòng riêng của mình. Trong mối quan hệ bạn bè khác giới thì cần phải dặn dò, và khuyên con không nên đi cùng bạn bè khác giới vào một phòng và nếu có thì nên mở cửa”, ông Hòa chia sẻ.