Báo động tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên

10/08/2022 15:11

(Chinhphu.vn) - Tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên đang ngày càng gia tăng, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng hoang tưởng do sử dụng chất gây nghiện kéo dài.

Báo động tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên - Ảnh 1.

Nhiều thanh niên hít bóng cười, shisha, sử dụng ma túy trong quán bar, karaoke - Ảnh minh họa

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân đến khám, trong đó có hàng chục trường hợp là thanh thiếu niên bị rối loạn thâm thần do sử dụng và lạm dụng rượu, chất nicotine trong thuốc lá điện tử, shisha, hút cần sa, bóng cười và các loại ma túy tổng hợp khác.

Nguyên nhân thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện gia tăng có yếu tố môi trường (tương tác xã hội, stress, gia đình) và nguyên nhân về sinh lý .

Một số chất gây nghiện thanh thiếu niên thường sử dụng, lạm dụng là nicotine, rượu, cần sa, methamphetamine (ma túy đá), MDMA (thuốc lắc), N20.

Nếu như trước đây, đối tượng dùng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới, hiện nay với xuất hiện nhiều chất gây nghiện mang tính giải trí (cần sa, khí cười…), tỷ lệ sử dụng giữa nam và nữ không chênh lệch nhiều.

Theo các bác sĩ, khi lạm dụng chất gây nghiện sẽ làm biến đổi chất dẫn truyền tế bào não, dẫn đến suy giảm trí nhớ, mất ngủ, rối loạn tình dục, rối loạn hành vi.

Tốn 5-7 triệu đồng/ngày để chơi "bóng cười"

Mới đây, tại Hội thảo về sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên, các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai đã dẫn chứng nhiều trường hợp cụ thể cho thấy tác hại nguy hiểm của việc sử dụng chất gây nghiện.

N.T.T. (22 tuổi, ở Vĩnh Phúc) vào viện lần thứ 3 vào ngày 18/6 vừa qua do thường xuyên cáu gắt và cho rằng có người hại mình.

Theo chia sẻ của gia đình, từ thời cấp 3, T. thường xuyên tụ tập bạn bè và có sử dụng thuốc lá, rượu bia. Sau khi tốt nghiệp, T. học chăm sóc da và làm đẹp, sau đó có mở 2 spa làm việc.

Khi có thu nhập ổn định, T. bắt đầu dùng nhiều loại chất gây nghiện. Lúc đầu, cô gái này chỉ sử dụng bóng cười, sau đó nhóm bạn của bệnh nhân rủ sử dụng thuốc lắc. Tần suất ban đầu khoảng 3 - 4 lần/tháng. Gần đây bệnh nhân sử dụng liên tục 2 - 3 lần/tuần.

Sau khi dùng chất gây nghiện kéo dài, tần suất tăng dần, T. bắt đầu nghe thấy tiếng nói trong đầu, tiếng người khác chửi mắng khiến chị cáu gắt đập phá đồ đạc.

Tại lần nhập viện đầu, T. được chẩn đoán rối loạn tâm thần. Sau điều trị 10 ngày, T. dần ổn định, hết tiếng nói trong đầu, ăn ngủ tốt hơn. Bệnh nhân ra viện và được tư vấn đơn ngoại trú kèm tư vấn trị liệu tâm lý, hẹn tái khám. Sau 3 tháng ngừng sử dụng thuốc lắc, bệnh nhân tham gia bữa tiệc cùng bạn lại tiếp tục được rủ rê sử dụng cần sa, ketamine, hút bóng cười.  

Bệnh nhân được gia đình đưa vào nhập viện lần 2 với chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng đa chất (cần sa, ketamin, N2O). Sau điều trị khoảng 12 ngày bệnh ổn định, gia đình xin ra viện điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên cô gái trẻ không tuân thủ điều trị, không tái khám theo hẹn, không tham gia trị liệu tâm lý chống tái sử dụng chất. Khoảng 2-3 tháng sau, T. lại tái sử dụng các chất trên, không chỉ dùng ở các bữa tiệc hay tụ tập với bạn bè, cô còn mua sử dụng tại nhà riêng.

Gia đình hoảng sợ khi T. cáu gắt nhiều, đập phá đồ đạc trong nhà, đêm không ngủ, tay cầm dao đi đi lại lại, vì cho rằng có người rình rập hại mình. Gia đình đưa bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi được điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc và ăn ngủ tốt hơn. Đặc biệt, nữ bệnh nhân này hết hoang tưởng, cảm xúc hành vi ổn định và được ra viện. Đây chỉ là một trong số nhiều ca được tiếp nhận và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ngoài ra, còn trường hợp nam sinh dùng chất gây nghiện từ lớp 9, chủ yếu cần sa, sau đó dùng thêm bóng cười, ketamine. Hiện tại, em chuẩn bị lên lớp 11, hằng tuần vào thứ 7, em và nhóm bạn thường rủ nhau dùng cần sa. Nam sinh này cũng tự mua và dùng thêm 2-3 lần/tuần. 

Tháng 6 vừa qua, em vào viện sau một lần bị bố mắng dữ dội do thành tích học tập không tốt. Nam sinh biết hút 5 hơi sẽ quá liều với em nhưng vẫn cố tình hút. Em thường có tấm bìa trong nhà, trường hợp hút nhiều sẽ cắn vào đó nhưng lần này, không cắn vào tấm bìa dẫn đến phải vào viện cấp cứu do cắn vào lưỡi. Sau khi được xử lý tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được chuyển sang Viện Sức khỏe tâm thần. 

Hay trường hợp nữ thanh niên 23 tuổi sử dụng bóng cười với số tiền 5-7 triệu đồng/ngày. Bệnh nhân rất hiểu biết về bóng cười, sau khi sử dụng còn thuê nhân viên y tế đến truyền vitamin B12 để bù đắp sự thiếu hụt. Tuy nhiên, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng thiếu máu hồng cầu to, do tác hại của bóng cười. 

Theo TS. Lê Thị Thu Hà , Trưởng phòng điều trị nghiện chất Viện Sức khỏe tâm thần, Bạch viện Bạch Mai, đối với trẻ vị thành niên, việc điều trị sử dụng chất gây nghiện cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Gia đình, cộng đồng và quy định pháp luật là có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.

Đáng báo động hiện nay là phần lớn thanh thiếu niên nhập viện đều sử dụng cùng lúc nhiều chất gây nghiện, khiến việc điều trị gặp khó khăn. Nếu mức độ lệ thuộc lớn, bệnh nhân sẽ phải cai nghiện bằng các chất thay thế.

Theo Thạc sĩ Bùi Văn Toàn, Phòng Tư vấn điều trị tâm lý, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện do nguyên nhân stress, căng thẳng thần kinh hoặc muốn thể hiện bản thân, rồi sau đó bị lệ thuộc và ngày càng tăng liều dùng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, ngay khi trẻ có biểu hiện hoặc phát hiện trẻ có sử dụng chất gây nghiện, gia đình cần tỏ rõ quan điểm, đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. 

Các bác sĩ cũng lưu ý, kể cả sau khi điều trị thành công thì khả năng thanh thiếu niên tái sử dụng chất gây nghiện cũ hoặc chất khác sẽ cao hơn bình thường nên các bậc phụ huynh cần giám sát, quản lý, giúp đỡ con em mình vượt qua nguy cơ đó.

Nhiều loại ma túy mới tấn công giới trẻ

Hiện nay, với nhiều kiểu ngụy trang, dễ sử dụng, dễ mua, các loại ma túy mới đang tấn công vào giới trẻ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn, để lại những hệ lụy nặng nề cho xã hội.

Trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay (10/8), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, thời gian qua, tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, TPHCM, Đà Nẵng.., xuất hiện tình trạng các đối tượng tẩm ướp, trộn lẫn ma túy trong thực phẩm, trong nước uống để bán cho giới trẻ, cho thanh niên để thu lợi bất chính và che giấu hành vi vi phạm.

Gần đây, Công an Hà Nội đã phát hiện, thu giữ một số loại ma túy dạng mới, được ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi như ma túy dạng thanh chocolate nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn cacao và được bán công khai rộng rãi trên mạng xã hội, gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công an đã chỉ đạo một số mặt công tác cũng như phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức chính sách pháp luật của nhà nước về phòng chống ma túy, tác hại của các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, cách thức nhận biết các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị pha trộn ma túy.

Thứ hai, thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các loại ma túy mới để thông báo, tuyên truyền với người dân cảnh giác phòng ngừa.

Đối với các loại ma túy mới phát hiện tại Việt Nam chưa có trong danh mục kiểm soát, Bộ Công an đã đề xuất, báo cáo Chính phủ bổ sung vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho đấu tranh với hoạt động của tội phạm ma túy.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, hiện nay, Bộ Công an đang tập trung giải quyết một số tụ điểm có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tụ tập của thanh thiếu niên, tụ điểm liên quan đến sử dụng bóng cười...

Hoàng Giang

Top