Bảo vệ công nhân trước hiểm họa ma túy
(Chinhphu.vn) - Tội phạm ma túy luôn tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân lao động. Đã có những công nhân lao động trở thành tội phạm ma túy, người nghiện ma túy.
Trang bị kỹ năng để công nhân phòng tránh ma túy
Thái Nguyên có 12 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động với 308 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 95.000 lao động.
Trong năm 2023-2024, trong công nhân, người lao động các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên chưa phát hiện tình trạng mua bán, sử dụng ma túy. Tuy nhiên, do các khu công nghiệp mở, không khép kín, địa bàn giáp ranh đông dân cư, đông nhà trọ nên tiềm ẩn về nguy cơ sở dụng ma túy.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, để phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội trong khu công nghiệp, hằng năm, Công đoàn các khu công nghiệp đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy, trang bị kỹ năng sống cho công nhân tự phòng tránh những cám dỗ của tệ nạn xã hội, ma túy.
Công tác tuyên truyền được Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên triển khai với nhiều hình thức khác nhau như qua trang Fanpage "Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên", nhóm Zalo, tờ rơi, pano, áp phích; thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm...
Hiện nay, 3 khu công nghiệp tại Thái Nguyên đã có đồn công an, tổ công tác công an chính quy đặt tại khu công nghiệp. Các khu công nghiệp còn lại đều có công an địa phương luôn tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, lực lượng bảo vệ tại các khu công nghiệp thường xuyên phối hợp với lực lượng công an chính quy tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trong các khu công nghiệp. Qua đó, tình hình tội phạm trong các khu công nghiệp được kiểm soát, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm.
Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng công tác chăm lo đời sống văn hoá tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh cho người lao động như tổ chức giải cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn trong công nhân các khu công nghiệp; tổ chức liên hoan nghệ thuật công nhân…
Các chương trình đã nhận được sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của các đoàn viên, công nhân, hạn chế nguy cơ tội phạm ma túy trong các khu công nghiệp.
Gắn kết tuyên truyền với chăm lo lợi ích chính đáng của công nhân lao động
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam, hiện nay, cả nước khoảng 17 triệu công nhân, lao động, trong đó hơn 7 triệu công nhân làm việc ở các khu công nghiệp.
Thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự, hoạt động tội phạm, các tệ nạn xã hội trong công nhân viên chức lao động vẫn còn diễn biến phức tạp như việc sử dụng ma túy, đánh bạc, lừa đảo…
Hiện toàn quốc có khoảng 170.000 người nghiện ma túy, trong đó công nhân chiếm 10% số người nghiện; hơn 38.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó công nhân chiếm khoảng 5%.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) nhận định công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.
Đa số công nhân lao động đều từ khu vực nông thôn, trong đó nhiều người từ các tỉnh miền núi đến các địa phương có nhiều khu công nghiệp để làm việc. Họ thiếu nhiều thông tin về tội phạm ma túy, về tác hại và nguy cơ lệ thuộc vào ma túy.
Phần lớn các công nhân sống xa gia đình, một bộ phận thiếu bản lĩnh, công việc nhàm chán, căng thẳng, thu nhập, điều kiện sinh hoạt nơi ăn, chỗ ở còn nhiều khó khăn nên dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, cần được giải tỏa. Đây chính là đặc điểm mà tội phạm ma túy lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ công nhân lao động.
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, do đặc điểm của công nhân lao động ở các khu công nghiệp phải làm theo ca, kíp, vì vậy việc đi lại của công nhân diễn ra cả ngày lẫn đêm; mặt khác, số công nhân tạm trú thuê trọ thường xuyên không cố định lâu dài gây khó khăn trong công tác quản lý.
Thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy, tội phạm ma túy luôn tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân lao động, biến khu nhà trọ, cổng xí nghiệp thành nơi mua bán trái phép chất ma túy, đã có những công nhân lao động trở thành tội phạm ma túy, người nghiện ma túy.
Trước thực trạng đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã sớm nhận ra nguy cơ này. Rất nhiều chỉ đạo kịp thời, cụ thể từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tới các cấp công đoàn cả nước đã mang lại hiệu quả trong nhiệm vụ bảo vệ công nhân lao động trước tệ nạn ma túy.
Công tác dự phòng, giáo dục, chủ động nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân lao động ngay từ khi đơn vị, doanh nghiệp chưa có người phạm tội, người nghiện ma tuý luôn được các cấp công đoàn quan tâm.
Nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã phối hợp công đoàn các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn một số địa phương như: TP. Hải Phòng, tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An...để tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy.
Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, tổ chức Công đoàn có vai trò quan trọng, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong công tác phòng, chống ma tuý, tệ nạn xã hộichăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của công nhân, người lao động, tạo môi trường lao động, sản xuất an toàn và lành mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Công đoàn các khu Công nghiệp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới.
Đồng thời gắn kết các hoạt động tuyên truyền phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự với các chương trình, hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động trong các khu nhà trọ; chăm lo, cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần cho người lao động…
Hoàng Giang