Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy: Cách nào hiệu quả?
Cơ quan chức năng cần nới lỏng điều kiện cho vay vốn ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, nâng mức cho vay và kéo dài thời hạn trả nợ. Đại diện chính quyền, các hội, đoàn thể và cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn tới người sau cai nghiện ma túy. Bản thân những người sau cai nghiện cần có bản lĩnh vượt lên quá khứ, tin vào tương lai.
Một buổi tuyên truyền phòng chống ma túy tại Trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân)
Trước thực tế là số lượng người trẻ sử dụng ma túy gia tăng, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2018 (diễn ra từ ngày 1 đến 30/6) và Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), các cơ quan chức năng kêu gọi toàn xã hội “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”. Vậy, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng có thể tham gia vào việc bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy ra sao? Giải pháp nào mang lại hiệu quả?
Theo thống kê, hiện nước ta có hơn 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng gần 12.000 người so với con số được công bố cùng kỳ năm 2017. 100% tỉnh, thành phố, gần 90% số quận, huyện, thị xã, gần 70% xã, phường, thị trấn ở nước ta có người nghiện ma túy.
Người nghiện thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức cho đến những người lao động nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa. Đáng lo hơn, 70% số người nghiện dưới 30 tuổi - lực lượng lao động chính trong xã hội; 5% số người nghiện đang ở tuổi vị thành niên. Số người sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) gia tăng nhanh chóng, chiếm khoảng 60-70% số người nghiện.
Sử dụng ma túy tổng hợp lâu ngày có thể khiến con người bị trầm cảm, thôi thúc hành vi giết người và tự sát, gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng.
Đối với người nghiện ma túy, việc hỗ trợ cai nghiện là giải pháp cơ bản để họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tiếc rằng, các hình thức cai nghiện được áp dụng phổ biến hiện nay đều bộc lộ sự bất cập.
Bộ LĐTB&XH cho biết, mạng lưới 120 cơ sở cai nghiện ma túy trên phạm vi cả nước đang điều trị cai nghiện cho hơn 34.600 người. Số người cai nghiện tập trung ít hơn nhiều so với số người sống ngoài cộng đồng, nhưng việc cai nghiện tại cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn do người nghiện và gia đình không tự khai báo, không đăng ký, không hợp tác.
Cán bộ phụ trách hoạt động hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Hình thức điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã chưa được nhân rộng.
Việc thí điểm cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Cedemex bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng khó nhân rộng vì chi phí khá cao, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ…
Trên thực tế, một số hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, mô hình “Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai tại hơn 30 tỉnh, thành phố thu hút hàng nghìn người nghiện và người sau cai nghiện sinh hoạt.
Với phương pháp tâm lý hỗ trợ, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy giúp đỡ nhiều người nghiện tìm thấy lẽ sống, nhiều người sau cai không tái nghiện. Tại Hà Nội, Câu lạc bộ tình thân B93 được thành lập ở nhiều xã, phường, trở thành ngôi nhà thứ 2 của nhiều người sau cai nghiện...
Song song với cai nghiện, việc hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện góp phần quan trọng giúp họ bớt mặc cảm, thêm tự tin hòa nhập, tránh xa cạm bẫy.
“Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, tôi có cơ hội làm lại cuộc đời. Từ người lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy, tôi đã từ bỏ nó hơn 7 năm nay, chăm chỉ làm ăn. Hiện nay, kinh tế gia đình tôi khá ổn định, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành”, anh Nguyễn Trung Tuyến, trú tại thôn Chu Quyến, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) cho hay.
Có việc làm sau cai nghiện, được sự động viên của những người xung quanh, nhiều người nghiện đã hồi sinh. Thế nhưng, con đường trở về sau cai nghiện ma túy không phải lúc nào cũng dễ dàng bởi các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho người sau cai hòa nhập cộng đồng chưa thực sự được quan tâm. Công tác quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện chủ yếu do gia đình và các đoàn thể thực hiện. Việc tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế.
Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến nay, chính sách tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương mới được triển khai thí điểm ở gần 20 tỉnh, thành phố. Số hộ được tiếp cận nguồn vốn mới đạt hơn 40% kế hoạch.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng cần nới lỏng điều kiện cho vay vốn ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục, nâng mức cho vay và kéo dài thời hạn trả nợ. Đại diện chính quyền, các hội, đoàn thể và cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn tới người sau cai nghiện ma túy. Bản thân những người sau cai nghiện cần có bản lĩnh vượt lên quá khứ, tin vào tương lai.
Đối với thế hệ trẻ, tình cảm gia đình, môi trường xã hội lành mạnh chính là “lưới” bảo vệ họ trước hiểm họa ma túy. Vì vậy, ngoài những hoạt động giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề thường xuyên, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay, các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy. Ngành LĐTB&XH chủ trì tổ chức mít tinh, tuyên truyền lưu động về tác hại của ma túy, kêu gọi toàn dân chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy. Ngành Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thảo chuyên đề về ma túy trong học sinh, sinh viên. Đoàn Thanh niên trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh ma túy cho đoàn viên thông qua các buổi sinh hoạt, hội thi…
Hy vọng, những nỗ lực đó sẽ góp phần đẩy lùi hiểm họa ma túy, tạo môi trường lành mạnh cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện.