Bắt giữ hơn 23,7 tấn ma túy trong 3 năm

31/10/2024 17:54

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 đã đạt một số kết quả tích cực nhưng đến nay còn một số chỉ tiêu hằng năm chưa đạt. Do đó, cần sự đầu tư đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.

Bắt giữ hơn 23,7 tấn ma túy trong 3 năm- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt 2 đối tượng quốc tịch Lào, thu giữ khoảng 70kg ma túy vào ngày 9/5/2024

Theo Bộ Công an, sau 3 năm thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, công tác đấu tranh được các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy triển khai quyết liệt; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế có chiều sâu, hiệu quả thực chất; qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Các lực lượng chức năng triệt phá khoảng 80 nghìn vụ án, thu giữ hơn 23,7 tấn ma túy các loại.

Trong đó, Bộ Công an đã đấu tranh, bắt giữ 76.614 vụ, 115.815 đối tượng, trên 12.715 kg ma túy các loại (số vụ, đối tượng, tang vật bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm). Bộ Quốc phòng phát hiện, đấu tranh 3.688 vụ, 5.107 đối tượng, trên 5.457 kg ma túy các loại. Bộ Tài chính (lực lượng Hải quan) phát hiện, bắt giữ 808 vụ, 804 đối tượng, trên 5.610 kg ma túy các loại.

Công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được triển khai đồng bộ từ trung ương đến cấp cơ sở. Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường rà soát, thống kê, lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và sau cai nghiện ngay từ địa bàn cấp xã để quản lý chặt chẽ.

Công tác xác định tình trạng nghiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Y tế công bố 7.450 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. 100% các tỉnh công bố danh sách cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Số cơ sở y tế xác định tình trạng nghiện tuyến xã chiếm 61% số xã trong toàn quốc.

Công tác cai nghiện cả nước hiện có 110 cơ sở cai nghiện ma túy. Từ năm 2021-2023 các cơ sở cai nghiện đã tổ chức cai nghiện cho 131.718 lượt người. Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiện có 444 đơn vị tại 36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, trong đó 439 đơn vị công lập và 05 đơn vị dân lập.

Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai cho 50.351 người tại 347 cơ sở của 63 tỉnh/thành phố; triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho 3.629 người tại 06 địa phương. Ngành LĐTB&XH duy trì điều trị cho 4.128 người nghiện ma túy.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, đến nay có một số chỉ tiêu hằng năm chưa đạt, cụ thể như: Nhóm mục tiêu về số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ hằng năm tăng từ 5% so với năm trước; 100% các vụ việc có thông tin về việc vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh được xác minh làm rõ.

Theo Bộ Công an, số vụ án được phát hiện, bắt giữ có xu hướng tăng, nhưng không ổn định; trung bình mỗi năm số vụ bắt giữ tăng 2,47%.

Bên cạnh đó, thời gian qua lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ ma túy "thả nổi" trên biển, tại một số tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam; thu giữ số lượng lớn tang vật nhưng không xác định, làm rõ được đối tượng mua bán, vận chuyển có liên quan để giải quyết triệt để.

Nhóm mục tiêu khác, đó là về kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; xóa bỏ cơ bản và bền vững việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Thời gian qua tại một số địa phương đã phát hiện các vụ sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại tiền chất. Việc quản lý các loại tiền chất mới chỉ bảo đảm ở khâu kiểm soát đầu vào (nhập khẩu tiền chất); chưa bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ đến khâu cuối cùng, nhất là quản lý các hoạt động mua, bán, lưu thông, sử dụng tiền chất ở trong nước. 

Bên cạnh đó, tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy vẫn xảy ra tại nhiều địa phương; chưa được xóa bỏ bền vững.

Đối với nhóm mục tiêu trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, đến nay mới đạt khoảng 65% so với Chương trình đề ra.

Hơn nữa, việc đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án trong Chương trình còn gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các bộ, ngành không bố trí được kinh phí hoặc bố trí kinh phí rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn để đầu tư cho các Dự án.

Chính vì thế, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. 

Chương trình đề ra 6 nhóm giải pháp, gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; tập trung nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực thực hiện Chương trình; tổ chức hiệu quả bộ máy thực hiện Chương trình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về Chương trình và công tác phòng, chống ma túy; giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; về tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế.

Hoàng Giang

}
Top