Bến Tre: Hướng đến cơ sở cai nghiện đa chức năng
Cơ sở cai nghiện ma túy đang trong giai đoạn chuyển đổi thành cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng theo hướng thân thiện, trong đó chăm sóc sức khỏe cho người nghiện được xem là quan trọng nhất.
Chăm sóc sức khỏe cho người cai nghiện
Cơ sở cai nghiện ma túy (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) đang làm nhiệm vụ cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe cho 191 học viên cai nghiện ma túy tại cơ sở, trong đó cai nghiện bắt buộc là 178 học viên, 4 học viên cai nghiện tự nguyện, 9 học viên điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. Khi vào cơ sở điều trị, học viên được khám sức khỏe ban đầu và lập hồ sơ bệnh án, được tư vấn về phương pháp cai nghiện. Cơ sở còn hỗ trợ cho các ban, ngành, địa phương trong công tác cắt cơn, giải độc cho người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Các học viên đan ghế bằng cọng nhựa |
Người nghiện ma túy hiện không còn sử dụng đơn thuần một loại chất gây nghiện như trước đây mà một người có thể nghiện cùng lúc nhiều loại chất ma túy như: Heroin, cần sa, ma túy đá (Amphetamin), nguy hiểm hơn là tình trạng sử dụng loại ma túy mới với tên gọi là “tem lưỡi, bùa lưỡi” là một loại ma túy tổng hợp với hoạt chất chính là LSD gây khả năng ảo giác rất cao.
Đối với người nghiện loại ma túy tổng hợp, tác hại của ma túy gây ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh trung ương, làm cho người nghiện bị rối loạn tâm thần gây ảo giác, hoang tưởng, mất ngủ, kích động, gây rối, không kiểm soát được bản thân; gây ra nhiều hành vi nguy hại như: tự hủy hoại thân thể, tự sát, giết người... ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội.
Hiện cơ sở thực hiện cắt cơn, giải độc cho học viên cai nghiện theo phác đồ dùng thuốc an thần của Bộ Y tế (1992) và dựa trên hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamin (ban hành kèm theo Quyết định số 3556 ngày 10/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Trong những năm gần đây, Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe của cơ sở cai nghiện ma túy tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện với tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp (Amphetamin) tăng cao. Cụ thể: năm 2016 tiếp nhận 163 người nghiện, trong đó 125 người nghiện sử dụng Amphetamin; năm 2017 tiếp nhận 249 người nghiện, trong đó 204 người nghiện sử dụng Amphetamin. Trong khi đó, công tác điều trị, chăm sóc cho người nghiện có rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy tổng hợp gặp nhiều khó khăn do đây là lĩnh vực còn mới mẻ đối với người làm công tác cai nghiện, đội ngũ cán bộ y tế chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tâm thần.
“Trong quá trình chữa bệnh, cơ sở kết hợp nhiều phương pháp điều trị tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu vào quy trình cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, góp phần làm giảm nhẹ các triệu chứng cai, giúp người nghiện an tâm cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Đấu - Giám đốc cơ sở cho biết.
Dạy nghề và lao động trị liệu
Học viên lao động trị liệu tùy theo tình hình sức khỏe như tham gia trồng các loại rau sạch như: rau muống, bầu và khoai lang; học quay chậu, đan thảm, đan ghế bằng cọng nhựa, nghề sửa xe gắn máy. Học viên Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Công việc quay chậu giúp tôi có tinh thần vui vẻ, có sức khỏe tốt hơn. Hơn một năm ở đây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và mong sớm đến ngày trở về với mẹ già 80 tuổi, mở tiệm điện cơ và quay chậu”.
Trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, từ cuối năm 2017 đến nay, cơ sở cai nghiện ma túy được xem là nơi có nhiều thay đổi trong cách quản lý nhằm đánh giá chính xác và khách quan quá trình rèn luyện của học viên. Cơ sở cai nghiện ma túy có 6 phân khu, các khu được xây dựng riêng biệt, có cán bộ quản lý ăn, ở chung với các học viên 24/24, thay vì trước đây các học viên bầu lớp trưởng và tự quản.
Học viên được tham gia các lớp chuyên đề, tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, sức khỏe; tham gia sinh hoạt nhóm, vui chơi, giải trí tạo mối quan hệ thân thiện giữa các học viên với nhau và học viên với cán bộ tại cơ sở. Được tổ chức phân khu ở, các học viên sinh hoạt vui chơi, giải trí theo từng khu, nhóm nhỏ. Cơ sở cũng tổ chức các buổi thăm gặp vào ngày thứ Sáu hàng tuần cho tất cả học viên trong môi trường thân thiện, đầm ấm.
Sau khi hoàn thành các lớp nghề như quay chậu, đan thảm, đan ghế, nhiều học viên đã làm ra sản phẩm và có thu nhập. Hay hoạt động trồng rau sạch trong năm 2017 đã thu hoạch gần 7.500 kg rau các loại, số rau trên nhập bếp ăn và bán. Tổng kinh phí các học viên thu nhập được trong năm hơn 90 triệu đồng.