Bệnh lao là gì? Ai có nguy cơ mắc bệnh lao?
(Chinhphu.vn) - Bố tôi vừa nhận được kết quả khám của bác sĩ là ông bị mắc bệnh lao. Vậy cho tôi hỏi bệnh lao là bệnh gì và ai có nguy cơ mắc bệnh lao?
Trả lời:
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, lao (Tuberculosis, TB) là căn bệnh vi khuẩn có tên gọi Mycobacterium tuberculosis (M. tuberculosis) gây ra. Vi khuẩn, hay mầm bệnh, thường tấn công phổi.
Lao lây qua không khí từ người này sang người khác. Mầm bệnh lao lan trong không khí khi một người mắc bệnh lao truyền nhiễm ở phổi hoặc cổ họng ho, nói chuyện hoặc hát. Người ở gần có thể hít phải những mầm bệnh lao này và bị nhiễm.
Khi một người hít phải mầm bệnh lao, mầm bệnh lao có thể bám vào phổi và bắt đầu sinh trưởng. Từ đó, mầm bệnh lao có thể di chuyển qua máu tới các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống hay não.
Bệnh lao là gì?
Do vậy, nếu hệ miễn dịch không thể ngăn chặn mầm bệnh lao sinh trưởng, chúng sẽ bắt đầu nhân lên trong cơ thể và gây ra bệnh lao. Mầm bệnh lao tấn công cơ thể. Nếu điều này diễn ra ở phổi thì mầm bệnh lao có thể tạo ra lỗ thủng trên phổi. Một số người bị tiến triển thành mắc bệnh lao không lâu sau khi nhiễm (trong vòng vài tuần) trước khi hệ miễn dịch của họ có thể chống lại mầm bệnh lao.
Những người khác có thể bị nhiễm trùng lao tiềm ẩn và bị ốm sau nhiều năm khi mà hệ miễn dịch của họ bị suy yếu vì lý do khác. Điều trị nhiễm trùng lao tiềm ẩn (LTBI) có hiệu quả trong việc phòng chống bệnh lao.
Người mắc bệnh lao ở phổi hoặc họng có thể lây nhiễm, có nghĩa là họ có thể truyền mầm bệnh lao sang cho gia đình, bạn bè và những người khác xung quanh. Người mắc lao ở các bộ phận khác trên cơ thể, ví dụ như thận hay cột sống, thường không lây nhiễm.
Người mắc bệnh lao có khả năng lây mầm bệnh lao nhiều nhất là sang những người mà họ ở cùng hàng ngày. Trong đó bao gồm thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay bạn học.
Người mắc bệnh lao cần dùng một số loại thuốc khi mới bắt đầu điều trị. Sau khi dùng thuốc trị lao được vài tuần, bác sĩ sẽ có thể báo với bệnh nhân mắc lao về thời điểm mà họ không còn khả năng lây truyền mầm bệnh lao sang cho người khác nữa. Hầu hết những người mắc bệnh lao đều sẽ cần dùng thuốc trị lao trong ít nhất 6 tháng thì mới được chữa khỏi.
Ai có nguy cơ mắc bệnh lao?
Nhiều người bị nhiễm trùng lao tiềm ẩn (LTBI) lại không bị tiến triển thành bệnh. Mặc dù không phải tất cả mọi người mắc LTBI đều sẽ tiến triển thành bệnh lao, có khoảng 5-10% sẽ tiến triển thành bệnh lao trong đời nếu họ không được điều trị.
Theo dự kiến thì số ca tiến triển từ LTBI không được điều trị thành bệnh lao chiếm khoảng 80% số ca bị lao ở Hoa Kỳ. Một số người mắc LTBI có nhiều khả năng bị tiến triển thành bệnh lao hơn người khác. Những người có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh lao thường rơi vào hai nhóm:
1. Người mới nhiễm mầm bệnh lao
2. Người mắc tình trạng bệnh lý làm suy yếu hệ miễn dịch, bao gồm:
Nhiễm HIV
Sử dụng chất gây nghiện (chẳng hạn như sử dụng ma túy dạng tiêm)
Điều trị chuyên biệt về bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Crohn
Cấy ghép nội tạng
Bệnh thận nặng
Ung thư đầu và cổ
Tiểu đường
Điều trị y tế như sử dụng corticosteroid
Bệnh bụi phổi silic
Cân nặng cơ thể thấp
Trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, có nguy cơ cao mắc bệnh lao sau khi bị nhiễm.
Các triệu chứng của bệnh lao là gì?
Các triệu chứng của bệnh lao phụ thuộc vào việc mầm bệnh lao đang phát triển ở vị trí nào trong cơ thể. Bệnh lao ở phổi có thể gây ra các triệu chứng sau:
Ho (lâu hơn 3 tuần)
Ho ra máu hoặc đờm (đờm từ bên trong phổi)
Đau ngực
Sốt
Đổ mồ hôi đêm
Ớn lạnh
Mất khẩu vị
Suy nhược hoặc mệt mỏi
Sụt cân
Triệu chứng của bệnh lao ở các bộ phận khác của cơ thể có thể bao gồm:
Lao thận có thể dẫn đến đi tiểu ra máu.
Viêm màng não do lao có thể gây nhức đầu hoặc lú lẫn.
Lao cột sống có thể gây đau lưng.
Lao thanh quản có thể gây khàn tiếng./.
Vĩnh Hoàng