Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Những điều cần biết

26/03/2012 09:19

Kỳ 2: Phân bố bệnh LTQĐTD Kỳ 3: Các bệnh LTQĐTD phổ biến - bệnh giang mai Kỳ 4: Các bệnh LTQĐTD phổ biến - bệnh lậu

Hàng năm, ở Việt Nam, số bệnh nhân khám bệnh lây truyền qua đường tình (LTQĐTD) tới trên 130.000 trường hợp. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia thì con số người mắc bệnh còn lớn hơn nhiều. Bởi đa số bệnh nhân thường bị bệnh tự mua thuốc điều trị hoặc đến chữa trị tại các thầy thuốc tư.

Để giúp bạn đọc nắm được tình hình các bệnh lây truyền qua đường tình dục của Việt Nam, xin giới thiệu Nghiên cứu tình hình các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục ở Việt Nam từ năm 1996 đến 2010 của TS. Nguyễn Duy Hưng, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Bệnh viện da liễu Trung ương.

Từ khi có những phát hiện sinh học về các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến nay có nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ các bệnh này.

Thuật ngữ đầu tiên được sử dụng là các bệnh hoa liễu (tiếng Anh là Venereal diseases, tiếng Pháp là Maladies vénériénnes) để chỉ các bệnh hoa liễu cổ điển lây truyền qua quan hệ tình dục (từ Venereal lấy từ nhân vật nữ thần Venus- nữ thần sắc đẹp và ái tình trong thần thoại Hy-Lap). Các bệnh đó là bệnh giang mai, bệnh lậu, hạ cam, hột xoài và u hạt bẹn hoa liễu. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, người ta đã phát hiện thêm các tác nhân gây bệnh mới lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD), từ đó thuật ngữ bệnh hoa liễu được thay bằng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases- STDs). Đến năm 1997, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra một thuật ngữ mới là các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Infections- STIs).

Vi-rút Herpes

Tuy nhiên, cần phải phân biệt các tác nhân lây truyền qua đường tình dục với các tác nhân có thể lây truyền qua đường tình dục. Các tác nhân có thể lây truyền qua đường tình dục khi các đường lây truyền khác không phải đường tình dục chiếm ưu thế hoặc chỉ lây truyền qua đường tình dục chủ yếu ở người trưởng thành, còn ở trẻ em lây qua tiếp xúc. Ví dụ như: các vi-rút CMV, HBV, u mềm lây chủ yếu lây truyền qua tình dục ở người trưởng thành nhưng ở trẻ em thì qua đường khác: qua tiếp xúc trực tiếp da- da, qua truyền từ mẹ sang con và qua truyền máu. Một số tác nhân khác như M. hominis,G. vaginalis, Liên cầu nhóm B, HTLV-II, C. albicans... cũng không hoàn toàn là lây truyền qua đường tình dục.

Cuối cùng, về thuật ngữ các nhiễm trùng đường sinh sản (Reproductive Tract Infections-RTIs) cũng cần phân biệt với thuật ngữ được các nhà hô hấp đặt tên cho các nhiễm trùng đường hô hấp (RTIs- Respiratory Tract Infections). Các nhiễm trùng đường sinh sản bao gồm các nhiễm trùng nội sinh (Endogenous Infections) như viêm âm đạo vi khuẩn, nấm men candida âm đạo; các nhiễm khuẩn do dụng cụ hoặc thủ thuật y tế không vô khuẩn- hay còn gọi là nhiễm trùng y sinh (Iatrogenic Infections) và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Infections).

Bệnh LTQĐTD ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa.

Ảnh hưởng của đại dịch AIDS (Acquired Immunodeficency Syndrome) càng làm tăng lên sự cần thiết phòng chống và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bệnh này có thể lây truyền khi quan hệ tình dục không an toàn. Khi bị mắc STI, đặc biệt các bệnh gây loét sinh dục (Genital Ulcers Diseases) làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.  Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới thì nguy cơ mắc HIV cao gấp 2 đến 5 lần, nếu như một trong hai người bạn tình bị STI; với những người bị các bệnh có loét sinh dục thì nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên đến 9 lần. Ở những người nhiễm HIV thì không những họ dễ bị nhiễm STI khi quan hệ tình dục với người bị bệnh mà việc điều trị các STI cũng trở nên rất khó khăn, bệnh thường ít đáp ứng với các điều trị thông thường.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có ít nhất 1/10 người đang ở tuổi hoạt động tình dục bị một bệnh LTQĐTD. Bệnh LTQĐTD có ảnh hưởng rất quan trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt với  phụ nữ và trẻ sơ sinh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong quá trình mang thai như giang mai, nhiễm Cytomegalovirus, nhiễm vi rút Herpes..., thai yếu  và thai chết lưu, sảy thai, đẻ non... Lậu mắt ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến mù vĩnh viễn. Ở phụ nữ không điều trị kịp thời có thể bị nhiều biến chứng do bệnh gây nên như viêm hố chậu, vô sinh, chửa ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung. Ở các nước đang phát triển thuộc Châu Phi, Châu Á - các bệnh STD là một trong năm bệnh thường gặp nhất.

Số lượng các bệnh STD toàn cầu theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới hàng năm

Bệnh

Số bệnh nhân (triệu)

Trùng roi sinh dục

170

Nhiễm C.trachomatis sinh dục

89

Bệnh lậu

62

Sùi mào gà

30

Éc-pét sinh dục

20

Giang mai

12

Hạ cam

07

Tổng cộng

390

Ở Việt Nam, số bệnh nhân khám bệnh LTQĐTD theo báo cáo mà Viện Da liễu nhận được hàng năm trên 130.000 trường hợp. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia thì hàng năm có khoảng gần 1 triệu trường hợp mới mắc. Đa số bệnh nhân bị bệnh tự mua thuốc điều trị hoặc đến chữa trị tại các thầy thuốc tư.

Để có thể có được bức tranh tổng quát về các bệnh LTQĐTD của Việt Nam, qua các báo cáo thu nhận được từ các địa phương trong toàn quốc, chúng tôi phân tích, đánh giá về bệnh này qua các năm từ 1996 đến 2010.

1. Tổng số bệnh nhân mắc nhiễm trùng LTQĐTD trong từng năm

Tổng số bệnh nhân mắc nhiễm trùng LTQĐTD từ năm 1996 đến 2010

Năm

Số bệnh nhân

1996

45.634

1997

73.291

1998

138.310

1999

101.466

2000

95.595

2001

156.253

2002

183.927

2003

132.168

2004

143.880

2005

125.249

2006

192.042

2007

198.594

2008

283.643

2009

252.515

2010

348.134

Tổng số

2.470.701

Biểu đồ 1. Diễn biến tình hình nhiễm trùng LTQĐTD từ 1996 đên 2010.

 

Tổng số bệnh nhân mắc nhiễm trùng LTQĐTD được thu thập trong thời gian từ 1996 đến 2010 qua báo cáo của các địa phương là 2.470.701 bệnh nhân. Từ giữa thập kỷ 90, Viện Da liễu đã tổ chức được các lớp đào tạo về chẩn đoán và điều trị các nhiễm trùng LTQĐTD, các học viên từ các tỉnh/thành phố được cung cấp tài liệu và xem các hình ảnh dương bản về STIs. Mục tiêu của các khoá học này là hướng dẫn các học viên kiểm soát STIs thông qua việc tiếp cận hội chứng. Năm 1996, Viện Da liễu phát hành cuốn hướng dẫn kiểm soát các bệnh LTQĐTD, trong đó cũng nhấn mạnh chẩn đoán và điều trị STIs thông qua tiếp cận hội chứng. Tài liệu nhấn mạnh tới 4 hội chứng do 8 căn nguyên gây bệnh thường gặp, đó là:

- Hội chứng tiết dịch niệu đạo gây ra bởi lậu cầu và C. trachomatis

- Hội chứng tiết dịch âm đạo gây ra bởi lậu cầu, C. trachomatis (gây viêm cổ tử cung), Trichomonas, Candida albicans, và Gardnerella vaginalis/VK kỵ khí (gây viêm âm hộ âm đạo)

- Hội chứng đau bụng dưới hoặc là viêm tiểu khung gây ra bởi lậu cầu, C.trachomatis và vi khuẩn kỵ khí.

- Hội chứng loét sinh dục do xoắn khuẩn giang mai, H.ducrey, vi rút herpes.

Do đó, số bệnh nhân LTQĐTD được phát hiện tăng nhanh từ năm 1996 đến năm 1998. Sau đó, số lượng bệnh nhân được phát hiện hàng năm dao động ở mức cao, trong đó cao nhất là năm 2010 (348.134bệnh nhân).

Còn tiếp

Bài sau: Phân bố bệnh LTQĐTD theo nhóm bệnh

Top