Bệnh nhận thứ tư được chữa khỏi HIV, nhưng với quy trình nguy hiểm

29/07/2022 12:14

(Chinhphu.vn) - Thêm hai bệnh nhân HIV đã được công bố khỏi bệnh, mang lại những tia hy vọng cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, trường hợp thứ tư khỏi bệnh, nhưng quy trình chữa trị vẫn còn nguy hiểm.

Bệnh nhận thứ tư được chữa khỏi HIV, nhưng với quy trình nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Người đàn ông 66 tuổi, được đặt tên là bệnh nhân Thành phố Hy vọng theo tên trung tâm California nơi ông được điều trị, đã được tuyên bố là thuyên giảm tại Hội nghị AIDS Quốc tế tại Montreal, Canada vào thứ Sáu (28/7).

Ông là người thứ hai được công bố chữa khỏi trong năm nay, sau khi các nhà nghiên cứu cho biết vào tháng 2/2022, một phụ nữ Mỹ được mệnh danh là bệnh nhân New York cũng đã được chữa khỏi.

"Bệnh nhân của Thành phố Hy vọng", giống như các "bệnh nhân Berlin" và "bệnh nhân London" trước đó, đạt được ghi nhận là thuyên giảm lâu dài và khỏi HIV sau khi cấy ghép tủy xương để điều trị ung thư.

Bà Jana Dickter, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm Thành phố Hy vọng, nói với AFP rằng vì bệnh nhân mới nhất là người lớn tuổi nhất, thành công của ông có thể hứa hẹn phương pháp điều trị mới cho những người nhiễm HIV lớn tuổi bị ung thư.

"Khi tôi được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1988, giống như nhiều người khác, tôi nghĩ đó là một bản án tử hình. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống để chứng kiến ngày mình khỏi HIV. Tôi vô cùng biết ơn", bệnh nhân giấu tên cho biết trong một tuyên bố của trung tâm Thành phố Hy vọng.

Bà Dickter cho biết, bệnh nhân đã nói với bà về sự kỳ thị mà ông đã trải qua trong những ngày đầu của đại dịch AIDS vào những năm 1980. "Ông ấy đã chứng kiến nhiều bạn bè và những người thân yêu của mình trở nên ốm yếu và cuối cùng đã không chống chọi được với căn bệnh này", bà nói.

Bà Dickter cho biết thêm, bệnh nhân đã bị "AIDS giai đoạn toàn phát", nhưng đã tham gia những thử nghiệm ban đầu về liệu pháp kháng retrovirus, hiện cho phép nhiều người trong số 38 triệu người nhiễm HIV trên toàn cầu sống chung với virus.

"Bệnh nhân Thành phố Hy vọng" đã bị nhiễm HIV trong 31 năm, lâu hơn bất kỳ bệnh nhân nào trước đó đã thuyên giảm. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2019, ông được cấy ghép tủy xương với tế bào gốc từ một người hiến tặng không liên quan với một đột biến hiếm gặp trong đó thiếu một phần gen CCR5, khiến người này có khả năng kháng HIV. Sau đó, ông đã được ghi nhận là thuyên giảm cả HIV và ung thư.

"Nhưng đây là một quy trình phức tạp với các tác dụng phụ nghiêm trọng và không phải là lựa chọn phù hợp cho hầu hết những người nhiễm HIV, chỉ thực sự phù hợp cho những bệnh nhân mắc cả HIV lẫn ung thư", bà Dickter cho hay.

Thùy Chi (Theo AP)

Top