Bình Định: Hướng tới mục tiêu quan trọng để kết thúc dịch AIDS

29/11/2016 18:58

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông - Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bình Định về công tác triển khai trên phạm vi toàn tỉnh và những vấn đề liên quan đến việc quản lý, điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tại Cơ sở điều trị Methadone ở Bình Định. Ảnh: Thùy Chi

Xin ông cho biết, địa phương sẽ triển khai những hoạt động gì nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS?

Ông Nguyễn Thanh Truyền: Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ngày 31/10/2016, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo tình hình cụ thể từng đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phù hợp.

Tăng cường các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng như truyền thông trực tiếp cá nhân, truyền thông nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV, tư vấn tại các cơ sở y tế, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ và truyền thông đại chúng nhằm phòng, chống HIV/AIDS…

Bên cạnh đó, tổ chức xe loa tuyên truyền, xây dựng các khẩu hiệu, băng rôn tại các địa điểm công cộng, đường phố nơi nhiều người qua lại; tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức thăm hỏi người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương…

Ngoài ra, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp tổ chức triển khai giám sát cho công nhân lao động tại một số doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 12. Các hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam. Cụ thể là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Đây cũng là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay.

Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta sẽ phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Xin ông cho biết, việc Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn Quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” đã có tác động như thế nào đến thực tiễn hoạt động tại địa phương?

Ông Nguyễn Thanh Truyền: Quyết định số 3047/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” nhằm tạo ra tiếp cận mới trong chăm sóc và điều trị HIV/AIDS giai đoạn tới, giúp tăng cường việc mở rộng điều trị ARV, lồng ghép điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế chung, ưu tiên hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, chuyển các dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, dự phòng và hỗ trợ HIV/AIDS vào hệ thống y tế cơ sở.

Đối với Bình Định, hiện tỉnh đang điều trị thuốc ARV cho trên 158 bệnh nhân HIV/AIDS. Bệnh nhân khi phát hiện nhiễm HIV sẽ được tư vấn và xét nghiệm bổ sung các xét nghiệm như đếm tế bào miễn dịch CD4, nếu số lượng tế bào CD4 dưới 500/mm3 máu thì được đưa vào điều trị.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng tiếp cận điều trị thuốc ARV không cần phải xét số lượng tế bào CD4, người được phát hiện nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV ngay, vì vậy số người nhiễm HIV được điều trị ARV sẽ tăng nhanh, điều này giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, phòng lây lan HIV cho gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, vấn đề về quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bị nhiễm HIV/AIDS đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Xin ông cho biết, tiến độ triển khai tại địa phương?

Theo chỉ đạo của Trung ương, năm 2017, nguồn thuốc ARV cấp miễn phí cho người nhiễm HIV sẽ không còn và bảo hiểm y tế chi trả các dịch vụ y tế, trong đó có thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Vì vậy, để việc điều trị liên tục, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS kéo dài chất lượng cuộc sống, dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng và bảo đảm tính bền vững thì người nhiễm HIV phải có thẻ bảo hiểm y tế.

Tỷ lệ người nhiễm HIV mua thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn hiện chiếm khoảng 60% vì các lý do khách quan. Nguyên nhân do nhiều người nhiễm HIV/AIDS chưa hiểu rõ lợi ích của việc mua bảo hiểm y tế, ngoài ra có những trường hợp không đủ khả năng mua bảo hiểm y tế.

Hiện nay, việc điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thực tế cho thấy, người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn trong việc chuyển tuyến khám chữa bệnh vì họ không muốn cho người tại địa phương biết tình trạng HIV của mình.

Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 26/6/2015 về việc hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS, trong Thông tư có điều khoản đặc biệt giúp triển khai các hoạt động thanh toán bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS như người nhiễm HIV/AIDS được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu bằng bảo hiểm y tế tại tuyến tỉnh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh/thành phố cần phải đạt được 100% người nhiễm HIV/AIDS sử dụng bảo hiểm y tế, do đó việc tuyên truyền giúp cho cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV/AIDS nói riêng hiểu rõ lợi ích của việc mua bảo hiểm y tế và huy động cá nhân, tổ chức hỗ trợ giúp người nhiễm HIV/AIDS mua bảo hiểm y tế là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Hiện Bình Định đang thực hiện việc rà soát để có những kế hoạch cụ thể, nhằm nỗ lực đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế.

Thời gian tới, địa phương sẽ có những hoạt động gì để kìm hãm tốc độ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Thanh Truyền: Để kìm hãm tốc độ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, các hoạt động chủ yếu cần tiếp tục tăng cường, đó là: Tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho cộng đồng, tập trung vào các nhóm đối tượng dễ có hành vi nguy cơ; đẩy mạnh chương trình bao cao su, tạo tính sẵn có bao cao su ở mọi lúc, mọi nơi để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục; đẩy mạnh và mở rộng hoạt động cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; tăng cường xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm HIV và điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) kịp thời, chống kì thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ.

Hiện nay, khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn là kinh phí bị cắt giảm nhiều, nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS không còn sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi triển khai hoạt động.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, một số địa phương chưa thật sự quan tâm chú trọng. Chưa đầu tư nhân lực và kinh phí địa phương đúng mức để tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ.

Sự tự kỳ thị, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, gia đình của họ trong cộng đồng vẫn còn phổ biến, điều này làm cản trở công tác giám sát, xét nghiệm, quản lý, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS.

Hiện nay, độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, chất lượng của các dịch vụ chưa cao. Phần lớn người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với điều trị ở giai đoạn muộn; tỷ lệ bà mẹ mang thai xét nghiệm HIV còn thấp; chương trình can thiệp giảm hại vẫn còn ở mức khiêm tốn. Do đó, giải pháp trước mắt cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là tăng cường sự chỉ đạo và của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, cần huy động nhiều nguồn kinh phí từ địa phương, cơ sở cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường các biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; tăng cường giám sát xét nghiệm HIV và mở rộng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho nhóm người dễ bị cảm nhiễm; tăng cường công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, thực hiện khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lũy tích từ năm 1993 đến nay, số người nhiễm HIV có địa chỉ trên địa bàn tỉnh Bình Định là 700 ca,  tử vong do AIDS 405 ca. Nguy cơ lây nhiễm HIV hiện nay chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm khoảng 55%, đường máu chiếm khoảng 40%. Tuổi phát hiện nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao là từ 15-40 chiếm 78,5% vì đây là nhóm tuổi dễ có hành vi tiêm chích ma túy dẫn đến lây nhiễm HIV qua đường máu và hành vi tình dục không an toàn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

Top