Bình Định: Tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV

06/11/2018 13:19

Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, địa phương đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.

Tư vấn phòng, chống HIV cho cộng đồng. Ảnh: TTPC HIV/AIDS Bình Định

Đồng thời, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội. Đặc biệt trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2018.

Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Mặc dù các mục tiêu này đã được Việt Nam cam kết thực hiện từ năm 2014, tuy nhiên các mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút hiện đạt được còn thấp trong khi thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu không nhiều. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Sở Y tế tỉnh sẽ xhủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định thực hiện chiến dịch truyền thông trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh, trên báo in và báo điện tử trong Tháng hành động; chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết các vướng mắc của các đơn vị, địa phương liên quan đến Tháng hành động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Tháng hành động của tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động theo Kế hoạch này và theo hướng dẫn của Sở Y tế địa phương.

Tích cực phối hợp với Sở Y tế tỉnh trong việc tổ chức thực hiện và giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Tháng hành động tại đơn vị và địa phương.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh theo địa bàn được phân công tích cực kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Tháng hành động. Theo dõi, giám sát, tổng hợp báo cáo các hoạt động thực hiện trong Tháng hành động theo hướng dẫn của Sở Y tế; gửi về Sở Y tế tỉnh trước ngày 15/12/2018 để tổng hợp, báo cáo các cơ quan liên quan theo quy định…

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2018, Bình Định còn 359 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, tỷ lệ nhiễm trên 100.000 dân là 0,05%; trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 35 ca mắc mới; tình hình mại dâm và đồng giới diễn biễn phức tạp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tỷ lệ nhiễm qua đường quan hệ tình dục có chiều hướng gia tăng chiếm 55% trong tổng số ca mắc mới.

Ngành Y tế tỉnh đã triển khai các hoạt động dự phòng can thiệp giảm tác hại, truyền thông thay đổi hành vi; duy trì nhóm tiếp cận cộng đồng cấp phát bao cao su miễn phí tại các nhà hàng, khách sạn. Quản lý và điều trị ngay các ca mắc mới, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho người nghiện ma túy, nhiễm HIV đã giúp bệnh nhân thay đổi hành vi trong dự phòng lây nhiễm HIV, tăng thể trạng sức khỏe, giảm sử dụng Heroin, giảm hành vi tội phạm do người nghiện gây ra.

Bằng nguồn kinh phí của tỉnh, giám sát xét nghiệm hơn 5.000 ca/năm tại cộng đồng và các trại giam, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm Y tế cho 100% người nhiễm HIV/AIDS để tham gia điều trị thuốc ARV.
Top