Bình Dương nỗ lực đi đầu trong đạt mục tiêu 90-90-90
Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019, phóng viên Trang Tiếng Chuông đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ (BS) Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Bs Nguyễn Kiều Uyên phát biểu trong một hội thảo - Ảnh: Tống Nam
“Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, năm nay, chủ đề của tháng hành đồng phòng, chống HIV/AIDS là “ Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, ông có thể cho biết Bình Dương đã đạt được mục tiêu nào trong 3 mục tiêu 90? Và tỉnh cần nỗ lực thêm những gì?
Bs Nguyễn Kiều Uyên: Đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã đạt được cả 3 mục tiêu 90.
Với mục tiêu thứ nhất, hiện 90% người nhiễm HIV đã biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bình Dương, tỉnh hiện có khoảng 3.702 người nhiễmHIV. Số người nhiễm HIV tại Bình Dương biết tình trạng nhiễm HIV của mình là 3.504/3.702 người, chiếm 94,6%
Mục tiêu 2 là 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV. Tính đến 30/10/2019, số bệnh nhân được điều trị ARV tại 10 PKNT (gồm 8 PKNT tại 8 huyện/thị và 2 PKNT tại trại giam) là 3.175/3.504 chiếm 90,6%.
Mục tiêu 3 là 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Hiện tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 97,3%
Nhìn chung, đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã đạt 3 mục tiêu 90 trước thời hạn cam kết và được đánh giá một trong những tỉnh về đích trước trong Hướng tới mục tiêu 90-90-90. Điều cần làm trong thời gian tới là tỉnh cố gắng duy trì thành quả này.
Xin ông cho biết rõ hơn những kết quả đạt được trong công tác phòng chống HIV/ AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Bs Nguyễn Kiều Uyên: Tháng 7/2010, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương được thành lập. Trải qua gần 10 năm phát triển, công tác phòng, chống HIV/ AIDS trên địa bàn tỉnh có những thành quả nhất định như khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% trong dân số; kiềm chế dịch HIV; kiểm soát tốt lây nhiễm HIV qua đường máu, lây truyền HIV từ mẹ sang con; đạt 3 mục tiêu 90 tương đối sớm so với cả nước.
Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS và chăm sóc điều trị, cụ thể là từ 1 Phòng tư vấn xét nghiệm tại Thủ Dầu Một, thì hiện tại 9/9 huyện thị đều có phòng xét nghiệm HIV sàng lọc và từ đây đến năm 2020 sẽ có thêm ít nhất 5-7 phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại huyện/thị. Trước năm 2010 chỉ có 1 phòng khám nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng hiện nay đã có 10 phòng khám nội trú tại 8 huyện/thị và 2 trại giam. Như vậy, những người dân ở khu vực xa có thể dễ dàng tiếp cận với xét nghiệm và điều trị HIV.
Bình Dương là một tỉnh trọng điểm khu vực phía Nam vẫn đang nằm trong nhóm các tỉnh có tập trung AIDS ở nhóm có nguy cơ cao, nhưng có xu hướng tăng nhanh tại nhóm MSM (Nam quan hệ tình dục đồng giới), ông có đánh giá gì và có biện pháp can thiệp nào?
Bs Nguyễn Kiều Uyên: Trước năm 2015, số người nhiễm HIV ở tỉnh là MSM chỉ có 16 trường hợp, nhưng đến năm 2017 tăng vọt 88 ca (tăng 2,7 lần so với năm 2016). Năm 2018 là 114 ca (tăng 1,3 lần so với năm 2017) nhưng chỉ 8 tháng đầu năm 2019 đã tăng 193 ca (tăng 1,7 lần so với năm 2018), chiếm 49,4% ca nhiễm HIV mới trong 8 tháng đầu năm 2019 (390 ca): tương đương cứ 4 ca phát hiện nhiễm HIV mới thì có gần 2 ca là MSM. Trong 193 ca nhiễm HIV là MSM có 49 MSM là người Bình Dương chiếm 25,4%. Như vậy, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam đồng tính ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân có thể do Bình Dương tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh - là nơi tập trung số lượng người đồng tính cao nhất cả nước (khoảng 150.000 người, trong khi cả nước có 300.000 MSM). Năm 2013, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có tiến hành nghiên cứu xác định tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Thời điểm đó, điều tra xác định Bình Dương có khoảng 500 MSM với tỷ lệ nhiễm HIV là 1,3%. Năm 2017, năm đầu tiên Bình Dương đưa nhóm MSM vào làm giám sát trọng điểm thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này tăng vọt lên 14,5%. Nếu không nhanh chóng có những can thiệp mạnh mẽ trong nhóm này thì nguy cơ lây lan HIV sẽ còn gia tăng rất cao do nhóm đồng giới nam quan hệ đường hậu môn gây nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhiều lần so với quan hệ tình dục bình thường. Chính vì thế, thời gian qua, chúng tôi vẫn luôn duy trì nhiều can thiệp trong nhóm này như: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tình dục an toàn trong nhóm này, kèm với việc cấp phát miễn phí bao cao su, chất bôi trơn; phối hợp với các tổ chức cộng đồng, các đơn vị y tế tại tuyến huyện, xã/phường để tư vấn, xét nghiệm HIV; phát hiện ca nhiễm HIV sẽ nhanh chóng chuyển gửi điều trị ARV nhanh hoặc ngay trong ngày. Việc điều trị ARV ngay khi phát hiện nhiễm HIV có vai trò quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV do kiềm chế tốc độ nhân lên của HIV ngay trong giai đoạn đầu của bệnh. Ngoài ra, hiện tại còn có chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm dành cho các bạn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV như các cặp bạn tình/vợ chồng dị nhiễm tức 1 người nhiễm HIV, người bạn tình/vợ/chồng còn lại chưa nhiễm HIV. Đây là chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP (Pre -Exposure Prophylaxis).
Giải pháp điều trị sau phơi nhiễm với PEP (Post-Exposure Prophylaxis) được dành cho những người đã có quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình có nguy cơ nhiễm HIV cao hoặc người đó không biết nguy cơ của bạn tình. Đây cũng là 1 trong những thuốc điều trị ARV dành cho người nhiễm HIV nhưng chỉ có hiệu quả nhất trong 72 giờ đầu sau khi khách hàng có quan hệ tình dục không an toàn.
Ông có thể chia sẻ về những khó khăn và thách thức mà Bình Dương đang gặp phải và giải pháp nào cho những khó khăn trên hay không?
Bs Nguyễn Kiều Uyên: Tỉnh đang gặp một số khó khăn như: Nhân lực cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS thiếu, ngày càng cắt giảm. Tuyến huyện/thị đa phần cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình, thường xuyên thay đổi.
Dịch HIV/AIDS hiện tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ như lây nhiễm HIV đang đổi xu hướng từ lây nhiễm qua đường máu sang quan hệ tình dục không an toàn chủ yếu là nam đồng giới; sử dụng chất kích thích, ma túy mới khiến người sử dụng không kiểm soát hành vi, quan hệ tình dục tập thể….
Số lượng bệnh nhân điều trị ARV ngày càng tăng đã gây áp lực cho các phòng khám ngoại trú về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc men, con người cũng như chất lượng phục vụ.
Tỉnh Bình Dương lại là tỉnh có nhiều người lao động ngoài tỉnh nhiều nhất nước, ngoài những nhân tố tích cực mang lại còn đi kèm cả những yếu tố bất lợi, gồm cả về lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS.
Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Bình Dương đang nỗ lực từng ngày trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt cùng tổ chức HAIVN xây dựng các sở sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV thân thiện. Ngoài ra, đội ngũ đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng cũng là lực lượng nòng cốt nhằm thu hút người xét nghiệm và tham gia điều trị sớm. Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng việc truyền thông về nguy hại của HIV trong các công ty, xí nghiệp và khu nhà trọ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thức về HIV, từ đó khuyến khích người có nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP
Ông đánh giá thế nào về các tổ chức cộng đồng trên địa bàn đang làm việc về chương trình phòng, chống HIV/AIDS?
Bs Nguyễn Kiều Uyên: Các tổ chức cộng đồng đóng trên địa bàn như Kết Nối Trẻ, Trăng Khuyết, Hương Lá, Hy Vọng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các nhóm rất nhiệt tình tham gia mọi hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS, từ thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức đến phân phát các vật dụng can thiệp bao cao su… cho đến tư vấn xét nghiệm HIV, giới thiệu bệnh nhân điều trị ARV… Các nhóm đóng góp từ 30-35% trong việc đạt các chỉ tiêu về giới thiệu, chuyển gửi thành công ca nhiễm đi điều trị ARV. Nếu không có các nhóm này, hệ thống Y tế sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận các nhóm đích.
Trân trọng cảm ơn BS Nguyễn Kiều Uyên.
Tống Nam (thực hiện)