Bình Phước: ‘Nỗi lo’ trong những nỗ lực điều trị nghiện bằng Methadone

10/11/2016 17:24

Chương trình thử nghiệm điều trị cai nghiện bằng Methadone bắt đầu ở Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2007. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1008/QĐ-TTg giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị bằng Methadone cho 61 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ở Bình Phước, chỉ mới triển khai được hơn 1 tháng.

Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone để giảm thiểu lây nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Vì nhiều lý do mà Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh - nơi tiếp nhận người đến cai nghiện - chỉ mới áp dụng điều trị cai nghiện bằng Methadone được hơn 1 tháng, xếp vị trí 61/63 tỉnh, thành phố đưa Methadone vào điều trị cai nghiện, Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công tác này.

Trên thực tế, kế hoạch triển khai điều trị bằng Methadone tại tỉnh giai đoạn 2014-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 15/9/2014. BS. Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Tuy được UBND tỉnh duyệt nhưng đầu năm 2016, trung tâm mới được cấp kinh phí xây dựng cơ sở điều trị và mua trang thiết bị. Hiện nhân sự vẫn chưa có, Ban giám đốc tạm thời điều động một số cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ này”.

8 người nghiện thuộc địa bàn thị xã Đồng Xoài đang điều trị tự nguyện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Họ được cán bộ y tế theo dõi, vừa cho uống thuốc vừa cân đối liều lượng để có chỉ định thích hợp cho mỗi người. Khoảng 1 tháng sẽ vào giai đoạn ổn định. Mỗi sáng, người nghiện sẽ đến trung tâm uống thuốc theo khung giờ nhất định. Giám đốc Bùi Văn Linh chia sẻ: “Methadone không gây phấn khích, ảo giác mạnh như các loại ma túy khác nên sau khi uống, nguời nghiện vừa thỏa mãn được cơn thèm thuốc vừa lao động bình thường, dần ổn định cuộc sống, hạn chế sa vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật...".

Năm 2015, số liệu thống kê cho thấy, 1.298 người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý. Vì vậy, việc xây dựng và mở rộng các mô hình cai nghiện bằng Methadone trên toàn tỉnh là rất cần thiết. Hiện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Phước đang chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người nghiện hiểu được lợi ích của việc sử dụng Methadone để tích cực tham gia điều trị.

Tuy nhiên, việc điều trị cho người nghiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thiếu kinh phí và nhân sự nên việc tuyên truyền, mở rộng cơ sở tuyến huyện, thị xã để nhiều người cùng biết và tìm đến điều trị còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, bệnh nhân vùng sâu, xa càng không có điều kiện tham gia chương trình hoặc đến Trung tâm điều trị thường xuyên. Trong khi điều kiện bắt buộc là bệnh nhân phải đến uống thuốc hằng ngày, kể cả ngày cuối tuần và các ngày lễ, tết.

Nỗi lo khác là trong quá trình điều trị, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ điều trị cai nghiện còn phải tạo sự gắn bó với bệnh nhân để tư vấn, động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp quá trình điều trị được tốt hơn; tránh trường hợp bỏ dở điều trị sẽ tái nghiện... Chính vì thế, muốn công tác điều trị hiệu quả cần phải có cán bộ, nhân viên chuyên trách, được tập huấn chuyên môn bài bản.

Bác sĩ Bùi Văn Linh cho biết, phương pháp điều trị nghiện bằng Methadone mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế vì chi phí rẻ. Hiện người nghiện được điều trị miễn phí nhưng nếu mất tiền thì mỗi ngày uống Methadone chỉ hết khoảng 10.000 đồng và uống 1 lần có tác dụng suốt 24 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, nếu dùng ma túy thì người nghiện phải bỏ ra thậm chí cả triệu đồng/ngày; phải hút hoặc chích 3-5 lần/ngày khiến người nghiện cứ triền miên trong vòng luẩn quẩn hết tiêm, hút lại “phê” thuốc và hết thuốc lại thèm và hút, chích nên không có thời gian làm việc hoặc suy nghĩ đến vấn đề khác.

Việc điều trị bằng Methadone cũng góp phần hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường máu. Vì vậy, dù còn nhiều “nỗi lo” trong công tác này, nhưng Bình Phước vẫn đang nỗ lực để đạt được hiệu quả cao nhất, vận động người nghiện tham gia điều trị Methadone để cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng.
}
Top