Bình Thuận: Hơn 78% lây qua tình dục không an toàn

18/11/2022 14:15

(Chinhphu.vn) - Số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều hướng gia tăng trong nhóm người trẻ tuổi, đáng lưu ý gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Bình Thuận: Hơn 78% lây qua tình dục không an toàn - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiếm soát bệnh tật Bình Thuận, tính đến thời điểm hiện tại, lũy tích số nhiễm HIV của cả tỉnh là 6.705 người. Trong đó, số người nhiễm HIV tại các trại giam là 5.275, có địa chỉ tại Bình Thuận là 1.688 người. Trong tổng số nhiễm HIV có địa chỉ tại Bình Thuận thì có 1.147 người còn sống, 547 người tử vong do AIDS. Địa phương hiện có 680 người bệnh đang được điều trị thuốc ARV (thuốc kháng HIV). Số người nhiễm HIV tập trung nhiều ở Phan Thiết (523 người), Hàm Thuận Bắc (155 người),

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh phát hiện 29 trường hợp nhiễm HIV mới có địa chỉ tại Bình Thuận, giảm 27 người so với cùng kỳ năm 2021; 10 ca tử vong do bệnh này.

Các trường hợp nhiễm mới được phát hiện cho thấy: Tỉ lệ nam nhiễm HIV chiếm 86,11% và nữ chiếm 13,79%. Phân bố theo nhóm tuổi, nhóm 14 - 24 tuổi chiếm 20,78%, nhóm tuổi 25 - 34 chiếm 44,87%, nhóm tuổi 35 - 44 chiếm 20,51%, nhóm tuổi 45 trở lên chiếm 13,84%. Tỉ lệ lây qua đường tình dục không an toàn chiếm 78,58%, cao nhất trong số các đường lây nhiễm. Tỉ lệ lây qua đường máu là 9,15%, không rõ đường lây chiếm tỉ lệ 12,27%. Còn trường hợp mẹ truyền sang con là 0,00%.

Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS với tổng số 835 bệnh nhân đang điều trị; duy trì tốt các hoạt động chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS. Tỉ lệ bệnh nhân HIV được điều trị ARV chung toàn tỉnh đạt 91%.

Xu hướng dịch HIV có chiều hướng gia tăng trong nhóm MSM, với tỉ lệ 65,7% từ 14 -34 tuổi. Số người nhiễm HIV trong nhóm MSM có chiều hướng gia tăng.

Hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên địa phương đã đạt được một số kết quả tiêu biểu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đó là khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng < 0,2%; tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây từ mẹ sang con từ 90% trở lên; tỉ lệ người nhiễm HIV được quản lý đủ tiêu chuẩn được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 90%.

Năm 2022 dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS vẫn duy trì được các hoạt động, các mục tiêu cơ bản vẫn hoàn thành, nhiều bệnh nhân vẫn được tiếp cận thuốc ARV liên tục không bị gián đoạn, góp phần kiểm soát dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giám sát phát hiện các trường hợp mới nhiễm, kịp thời đưa vào quản lý, điều trị.

Triển khai, mở rộng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí từ bảo hiểm y tế, triển khai điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm HIV khi có đủ điều kiện.

Hướng dẫn tổ chức điều trị cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV, nhân viên bị phơi nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân HIV/AIDS theo quy định.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện, thu dung bệnh nhân điều trị ARV theo chỉ đạo của Bộ Y tế để hướng đến mục tiêu 90-90-90. Thực hiện mua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

Top