Bình Thuận xây dựng phường, xã, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm

30/03/2018 16:00

Trong những năm qua, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm đã được cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 2.229 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với hơn 7.500 lao động nữ, trong đó, người hành nghề mại dâm và làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm (karaoke, massage, vũ trường….) có hồ sơ quản lý là 216 người. Theo báo cáo, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 2.306 người, trong đó Cơ sở điều trị nghiện ma túy đang điều trị cai nghiện cho 128 người và 1.305 người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Năm 2017, toàn tỉnh phát hiện 70 trường hợp nhiễm mới HIV, lũy kế số người nhiễm HIV/AIDS có địa chỉ là 1.320 người, trong đó 502 người tử vong do AIDS, 208 người nhiễm HIV đã rời khỏi địa phương nơi cư trú.

Giao ban công tác phòng, chống mại dâm tại Bình Thuận. Ảnh Phạm Khang

Thực hiện công tác tuyên truyền, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã cấp, phát 24.000 tờ rơi tuyên truyền ma túy, 600 sổ tay Tình nguyện viên cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, 127 xã, phường, thị trấn và 54 Đội công tác xã hội tình nguyện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện của những xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy, mại dâm; đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện, các tổ chức thành viên cơ sở và Đội công tác xã hội tình nguyện...

Nổi bật trong công tác quản lý địa bàn, lực lượng kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội trong toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 131 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, qua kiểm tra phát hiện 09 cơ sở vi phạm pháp luật và lập biên bản nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 59 triệu đồng; công an các huyện, thị xã, thành phố và Đội phòng, chống tệ nạn xã hội (Phòng PC45 Công an tỉnh) đã triệt phá 14 vụ mại dâm gồm 72 đối tượng, xử phạt hành chính 04 vụ mua bán dâm gồm 13 người mua dâm, 18 người bán dâm.

Các địa bàn trọng điểm về ma túy như Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), Phước Hội, Bình Tân (huyện La Gi), Mũi Né, Lạc Đạo, Đức Thắng (thành phố Phan Thiết) đã xây dựng các mô hình “Câu lạc bộ nhân dân tự quản, tự phòng”, “Câu lạc bộ bạn giúp bạn”… Tổ chức tọa đàm, họp dân sinh hoạt với nhiều nội dung , chủ đề như “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Ngăn ngừa ma túy xâm nhập vào gia đình”, “Vì một xã hội không có ma túy”… với trên 80% số hộ dân tham dự.

Tại 09 xã, phường, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong), thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình), phường Xuân An, Phú Tài , Phú Thủy, Bình Hưng (thành phố Phan Thiết), thị trấn Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam), xã Sông Phan (huyện Hàm Tân), phường Tân Thiện (thị xã La Gi) triển khai mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm hại về phòng, chống HIV trong phòng chống mại dâm”. Trong đó, tại phường Phú Thủy, chủ cơ sở của 14 khu phố gắn bảng “Nhà trọ, nhà nghỉ, nhà cho thuê không có tội phạm”.

Các xã, phường Liên Hương, Xuân An, Tân Lập, Sông Phan, Tân Thiện thành lập các “Nhóm nòng cốt” thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với 100 hội viên. Các Nhóm nòng cốt thường xuyên tuyên truyền về nội dung pháp luật liên quan đến phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; các chế độ chính sách và quy chế dân chủ ở cơ sở. Hoạt động của nhóm cũng được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng của ban, ngành, đoàn thể, các buổi giao lưu, tọa đàm. Định kỳ hàng tháng, hàng quý khi có chủ trương, chính sách mới của địa phương “Nhóm nòng cốt” tổ chức họp, phân công trách nhiệm, bàn kế hoạch tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… tổ chức phổ biến pháp luật tới hội viên, đoàn viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng ngừa giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm.

Đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện hòa nhập cộng đồng, người bán dâm hoàn lương. Kết quả năm 2017, có 529 người nghiện ma túy được tình nguyện viên giúp đỡ, trong đó có 69 người không còn sử dụng ma túy, vận động 118 người nghiện heroin tham gia chương trình điều trị bằng thuốc thay thế Methadone. Bên cạnh đó, Đội công tác xã hội tình nguyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương hỗ trợ 38 người sau cai nghiện ma túy và hộ gia đình có người nghiện được vay vốn với tổng số tiền là 677 triệu đồng và 12 người trong số 39 người bán dâm hoàn lương được vay vốn với số tiền 130 triệu đồng từ các nguồn vốn vay khác nhau.

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong năm 2018, kế hoạch như quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 theo đó đảm bảo mục tiêu giảm tỉ lệ điều trị bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh xuống còn 20%. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giúp đỡ, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho người nghiện ma túy. Phối hợp vận động trên 65% người nghiện ma túy sử dụng heroin có hồ sơ quản lý tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Các cơ sở điều trị nghiện ma túy thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại và tổ chức cai nghiện cho người nghiện theo đúng quy trình, phác đồ điều trị nghiện phù hợp với từng người; quản lý chặt chẽ học viên, thường xuyên giáo dục, nắm bắt tư tưởng để động viên, cảm hóa người nghiện an tâm cai nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng; học viên khi vào Cơ sở điều trị nghiện ma túy được đào tạo nghề để khi hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm kiếm việc làm. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành chức năng Công an, Tòa án thực hiện tốt công tác đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc. Đồng thời làm tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.

Top