Bốn cùng với nhân dân, góp phần chuyển hóa địa bàn
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy 4 cùng với nhân dân đã in đậm trong lòng nhân dân.
Tăng cường cơ sở, chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự đã được Công an nhiều tỉnh trên cả nước tiến hành. Qua đó, đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần chuyển hóa địa bàn... “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, hình ảnh người chiến sĩ CAND gắn bó mật thiết với nhân dân, tận tụy 4 cùng với nhân dân vì thế in đậm trong lòng nhân dân.
“Bản Mù bây giờ đã đổi thay, không còn “vua thuốc phiện”, “con ma” thuốc phiện, cái đói, cái nghèo và lạc hậu giờ đã lùi xa... Cuộc sống của tôi và những người từng làm bạn với thuốc phiện được hồi sinh từng ngày”, rít điếu thuốc lào, ông Giàng A Pùa, người từng được ví là “vua thuốc phiện” một thời tâm sự. Rồi ông chỉ tay về phía những ngôi trường khang trang, các trạm y tế được đầu tư tiền tỷ, đôi mắt ánh lên niềm vui.
Chúng tôi đến xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái vào những ngày đầu hè oi ả nhưng tiết trời ở nơi đây thì ngỡ như đang là mùa thu. Dọc hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang trĩu hạt, báo hiệu một mùa bội thu... “Bản Mù giờ đây đã không còn vua thuốc phiện nhưng đã xuất hiện những “vua trâu”, “vua bò”, “vua ngô, “vua sắn”... đời sống của người dân ổn định, không còn cảnh đói, nghèo” ông Giàng A Pùa, người từng được ví là “vua thuốc phiện” một thời chia sẻ với chúng tôi.
Lực lượng Công an tỉnh Yên Bái tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. |
Sở dĩ có tên Bản Mù vì nơi đây nằm trên đỉnh núi, quanh năm mây mù bao phủ. Bản Mù có cái tên như vậy còn bởi từng có thời điểm, nơi đây nhiều thế hệ con của bản là nô lệ của “nàng tiên nâu” mù mịt trong khói thuốc, cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu. Cũng vì cái đói, cái nghèo rồi vì nghiện ma túy mà người dân trong bản thường bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để vận chuyển ma túy...
“Ngày đó, cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch là mùa vụ chính của cây thuốc phiện thì sắc trắng, sắc đỏ của cây anh túc nhuộm rực cả một vùng núi”, ông Giàng A Pùa nhớ lại. Vào thời điểm đó, ở Bản Mù, thuốc phiện được người dân trồng, mua bán và sử dụng công khai. Nhà ai cũng trồng cây thuốc phiện, người ta lấy cây thuốc phiện làm tiêu chí để nói về sự giàu nghèo. Nhà nào càng có nhiều nương thuốc phiện thì được xem là giàu có. Và cũng đồng nghĩa với việc có nhiều con nghiện quanh năm nằm bẹp bên bàn đèn thuốc phiện.
Quanh nơi ở của ông Pùa đều có người nghiện và bản thân ông cũng không thắng nổi sức quyến rũ của nàng tiên nâu. Nếu không được các cán bộ xã, Công an tỉnh Yên Bái đến tuyên truyền, vận động, đưa đi cai nghiện thì có lẽ, ông không có được cuộc sống như bây giờ.
Như để minh chứng, Thượng tá Nguyễn Quang Hải, Phó trưởng Công an huyện Trạm Tấu cho biết: Hơn chục năm trước, tình trạng nghiện hút, trồng trọt và mua bán thuốc phiện diễn ra khá phổ biến. Biết là vi phạm pháp luật nhưng vì quyền lợi kinh tế, nhiều người vẫn lén lút trồng và mua bán nhựa cây thuốc phiện. Cùng với đó là sự phức tạp về địa hình, giao thông không thuận lợi nên công tác triệt phá diện tích trồng cây thuốc phiện gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Ban giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Một trong số đó là việc tăng cường lực lượng xuống cơ sở, thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói chung tiếng với người dân tộc”. Từ một địa bàn có hàng nghìn ha cây thuốc phiện, nay được thay thế bằng những thửa ruộng bậc thang, những nương ngô xanh mướt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao hơn.
“Vào thời điểm đó, người dân còn ăn chưa đủ no chứ chẳng nói gì đến chuyện học hành, chăm sóc con cái”, Phó trưởng Công an huyện Trạm Tấu cho biết. Người dân tộc Mông quanh năm chỉ làm một vụ lúa, thời gian còn lại dắt díu nhau vào rừng, ra con sông, con suốt tìm củ sắn, củ mài, con cua, con ốc cho qua cơn đói mùa giáp hạt.
Không thể để người dân mãi sống trong nghèo nàn, lạc hậu, cấp ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu xác định phải có hướng đi mới, đột phá; phải thay đổi từ chính tư duy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, của từng cán bộ trong suy nghĩ và việc làm. Về phía Công an tỉnh Yên Bái, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, trong 5 năm qua, Công an tỉnh Yên Bái đã tăng cường cán bộ về những xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, 100% là người dân tộc Mông và là những xã trọng điểm về an ninh trật tự với những vấn đề nổi lên như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, tội phạm hình sự và tệ nạn.
Hằng năm, trước khi đoàn tăng cường triển khai xuống các xã, huyện Trạm Tấu, luôn quan tâm, tổ chức các buổi gặp mặt và ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ công tác của huyện ủy phụ trách xã, các ngành, cấp ủy, chính quyền các xã chủ động vào cuộc, phối hợp; giúp đỡ, tạo điều kiện để các đoàn tăng cường của Công an tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bản Mù là một trong những địa bàn các tổ tăng cường thường xuyên có mặt.
“Nói thì dễ nhưng để bắt tay vào thực hiện lại không dễ dàng, bởi người Mông đã quá quen với việc canh tác theo kiểu tự cung, tự cấp từ bao đời nay”, một cán bộ Công an huyện chia sẻ với chúng tôi về quá trình chuyển hóa Bản Mù.
Trong quá trình tăng cường ở cơ sở, các cán bộ Công an tỉnh Yên Bái đã nắm chắc tình hình di cư tự do; thực hiện tuyên tuyền, vận động để đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của pháp luật; đồng thời thực hiện có hiệu quả đề án phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi một cách có hiệu quả, bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân để họ yên tâm lao động, sản xuất.
Mưa dầm thấm lâu, tuyên truyền, vận động mãi người dân cũng “thấm” nhưng không phải ai cũng bắt tay vào làm ngay. Cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Quân đội lại là những người tiên phong, đi đầu trong việc đưa giống mới, kỹ thuật mới vào áp dụng ngay trên những thửa đất của cơ quan, gia đình, đơn vị. Một vụ rồi hai vụ thắng lớn rồi cứ thế năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày một tăng.
“Trăm nghe không bằng một thấy”, người dân quanh xã đã dần thay đổi nhận thức, chủ động học tập, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Hiện nay, Bản Mù đã có tổng đàn trâu, bò trên 1.000 con và nhiều, dê, lợn già. Nhờ đẩy mạnh sản xuất, Bản Mù đã giảm hộ đói giáp hạt từ gần 200 hộ năm 2010 xuống còn 80 hộ năm 2017; tình hình an ninh chính trị ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
(Theo Báo CAND)