Bước đột phá trong chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em

01/11/2021 09:08

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, thực tế, việc chẩn đoán và phát hiện sớm lao trẻ em để điều trị còn rất khiêm tốn, chưa đến 10% trong số lao trẻ em ước tính. Nếu trẻ em nhiễm lao không được phát hiện sớm và quản lý điều trị thì sẽ thành mắc bệnh lao khi ở tuổi trưởng thành và là nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Hơn 1 tháng cùng cậu con trai nhỏ chiến đấu với bệnh lao, vợ chồng chị Ma Thị Thảo, người dân tộc Tày ở thôn Trì Thượng, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, không ít lần bật khóc vì thương con.

Cậu bé Đặng Quyết C. được chẩn đoán mắc lao kê - một trong những thể lao nặng nhất của lao phổi. Chứng kiến con trai mới 3 tháng tuổi nhiều lần phải lấy máu, lấy mẫu bệnh phẩm dịch dạ dày để xét nghiệm, chị Ma Thị Thảo và anh Đặng Văn Trường đã phải bật khóc và tự trách vì đã không thực hiện các biện pháp cách ly, bảo vệ an toàn cho con.

Chị Ma Thị Thảo và cậu con trai nhỏ mắc lao kê

Cậu bé 3 tháng tuổi bị lao kê


Gặp chúng tôi một ngày trước khi cháu C. được xuất viện sau hơn 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Phổi T.Ư, chị Thảo vui mừng chia sẻ về tình trạng sức khỏe đã được cải thiện của cậu con trai nhỏ.

Chị Thảo cho biết, bé C. xuất hiện các triệu chứng quấy khóc, ho, sốt khi mới 3 tháng tuổi. Sau 7 ngày, khám và uống thuốc theo Trung tâm y tế xã mà không đỡ, chị Thảo đưa con xuống BV huyện Bảo Thắng. Tại đây, bé C. được chẩn đoán viêm phế quản và tiếp tục sử dụng thuốc trong vòng 1 tuần tại nhà nhưng không khỏi. Bệnh nhi phải nhập viện 1 ngày 1 đêm ở BV huyện Bảo Thắng do ho, sốt cao trên 39 độ C và tiếp tục phải cấp cứu, chuyển lên Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Bé C. sau đó được chuyển sang Khoa Lao điều trị trong vòng 1 tuần. Trong thời gian này, 3 lần xét nghiệm lao của bé C. đều cho kết quả âm tính.

“Các bác sĩ lấy máu và dịch dạ dày để thực hiện xét nghiệm. Sau 3 lần có kết quả âm tính với lao, các bác sĩ cho ra viện”, chị Thảo cho biết.

Về nhà khoảng 10 ngày, tình trạng của bé C. không thuyên giảm, chị Thảo lại đưa con tới bệnh viện huyện và xin chuyển tuyến. Gia đình được các bác sĩ BVĐK tỉnh tư vấn và tạo điều kiện để chuyển xuống BV Phổi T.Ư từ đầu tháng 4/2021.

“Khi vào BV Phổi T.Ư con được xét nghiệm phân và sau một đêm đã có kết quả xét nghiệm khẳng định con mắc lao kê và viêm phổi”, chị Thảo không kìm được nước mắt khi nhớ lại.

Biết tin con bị lao, chị Thảo và gia đình rất lo sợ, không nghĩ con còn bé như vậy mà đã mắc lao. Những ngày đầu vào BV Phổi T.Ư, bé C. vẫn quấy khóc nhiều. “Chứng kiến con phải lấy dịch dạ dày để xét nghiệm tôi rất xót xa con. Đến bản thân tôi chưa từng nghĩ đến việc mình phải dùng ống thông qua miệng để lấy dịch dạ dày. Nhưng con còn quá bé đã phải dùng ống thông như vậy. Nhưng các bác sĩ ở BV Phổi T.Ư thực hiện xét nghiệm lấy mẫu phân nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn cho con hơn”, chị Thảo nói.

Sao 20 ngày điều trị tại BV Phổi T.Ư, tình trạng của bé C. được cải thiện hơn rất nhiều. Bé không còn ho, sốt, nhất là bớt quấy khóc, hồng hào và chơi đùa, cười nhiều hơn.

“Chúng tôi chỉ là những người làm cha làm mẹ, không phải là thầy thuốc, nhưng những chuyển biến tích cực của con chúng tôi là người cảm nhận rõ nhất. Biện pháp xét nghiệm lấy mẫu phân tại BV Phổi T.Ư dễ dàng, chính xác giúp chẩn đoán và điều trị nhanh cho con. Chúng tôi rất cảm ơn các y bác sĩ đã tận tình, chu đáo khi khám, điều trị cho con”, anh Đặng Văn Trường, bố bé C. chia sẻ.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi C., ThS.BS Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng Khoa Nhi, BV Phổi T.Ư cho biết, bệnh nhi tiến triển tốt, dù mắc lao kê. Thời điểm được ra viện, bệnh nhi đã cai được thở oxy, cắt được sốt, ăn uống sinh hoạt bình thường và tất cả các xét nghiệm tương đối ổn định. Đánh giá về đáp ứng điều trị của bệnh nhân rất tốt. Sau khi ra viện, bệnh nhi sẽ tiếp tục chuyển về điều trị tại y tế cơ sở theo phác đồ điều trị 6 tháng.

Trẻ em cần được phát hiện lao sớm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, lao trẻ em chiếm 6-11% tổng số bệnh nhân lao mắc mới hằng năm. Trong đó, Việt Nam là nước thuộc diện có tỷ lệ lao trẻ em chiếm khoảng 10% trong tổng số ca mắc lao và có gánh nặng về lao cao. Mặc dù trẻ khi sinh ra đều được tiêm vaccine phòng bệnh lao nhưng vẫn có một số trẻ em bị nhiễm bệnh

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, thực tế, việc chẩn đoán và phát hiện sớm lao trẻ em để điều trị còn rất khiêm tốn, chưa đến 10% trong số lao trẻ em ước tính. Nếu trẻ em nhiễm lao không được phát hiện sớm và quản lý điều trị thì sẽ thành mắc bệnh lao khi ở tuổi trưởng thành và là nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

“Bệnh lao trẻ em là một bệnh khó. Khó thứ nhất là các triệu chứng lâm sàng khó phát hiện, nhất là với nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tháng tuổi trẻ chưa biết nói. Thứ hai, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao rất ít. Và ở thể lao sơ nhiễm - mới nhiễm vào, chẩn đoán cũng khó. Nếu chúng ta dựa vào bằng chứng tìm thấy vi khuẩn thì rất khó phát hiện lao ở trẻ em. Đặc biệt, đôi khi thày thuốc vẫn lãng quên và không nghĩ rằng có lao ở trẻ em”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Cũng như ở người lớn, lao phổi là thể lao hay gặp nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, chẩn đoán lao phổi cho trẻ em gặp rất nhiều khó khăn do lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán thường không dễ dàng và thường yêu cầu bệnh nhi phải nhập viện để thực hiện một số thủ thuật khác để thu thập mẫu bệnh phẩm dẫn đến việc chẩn đoán bệnh lao cho trẻ em thường chậm trễ hoặc bị lãng quên. Để lấy được bệnh phẩm dạ dày đạt yêu cầu, buộc trẻ phải nhịn ăn thường từ sau 12h đêm. Điều này sẽ rất khó khăn với trẻ nhỏ, trẻ dưới 5 tháng tuổi vẫn có bữa ăn đêm. Khi bị đói như vậy trẻ thường quấy khóc khiến việc lấy mẫu bệnh phẩm cũng gặp khó khăn, hạn chế.

Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV Tuberculosis Foundation) đã phát triển phương pháp xử lý mẫu phân đơn giản một bước (Simple One Step (SOS) Stool Method) cho xét nghiệm Xpert MTB/RIF, không có yêu cầu về kỹ thuật hoặc thiết bị đặc biệt và có khả năng cải thiện tiếp cận, có kết quả chẩn đoán lao nhanh và điều trị phù hợp đối với trẻ em và người nhiễm HIV nghi mắc bệnh lao phổi.

Tại Việt Nam, trong năm 2020, KNCV đã phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia và 10 đơn vị y tế triển khai thí điểm xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra với mẫu phân được xử lý theo phương pháp đơn giản một bước (SOS) cho trẻ em và người nhiễm HIV nghi mắc bệnh lao phổi cho kết quả rất khả quan. Tỷ lệ xét nghiệm Xpert MTB/RIF Ultra có kết quả phù hợp giữa mẫu bệnh phẩm hô hấp thường quy và mẫu phân là 93,1% (ở trẻ em là 94,6% và ở người nhiễm HIV là 91,5%).

TS. Nguyễn Thiên Hương, Trưởng Đại diện Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin rằng, tại Việt Nam với hệ thống máy GeneXpert rộng khắp trong toàn quốc từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh và quận/huyện, mẫu phân được xử lý theo phương pháp đơn giản một bước cho xét nghiệm Xpert MTB/RIF thực sự là bước đột phá trong chẩn đoán sớm bệnh lao ở trẻ em và người nhiễm HIV ngay tại tuyến y tế cơ sở”.

Đáng tiếc, các cơ sở y tế tại Lào Cai không nằm trong danh sách triển khai thí điểm kỹ thuật GeneXpert phân, do vậy, hơn 1 tháng rong ruổi từ tuyến y tế cơ sở lên đến trung ương để chữa bệnh cho con, vợ chồng chị Ma Thị Thảo và anh Đặng Văn Trường cũng phải chạy vạy, vay mượn người thân khoản tiền 20 triệu đồng.

Từ Lào Cai xuống BV Phổi T.Ư ở Hà Nội, vợ chồng anh chị cùng con nhỏ mới 3 tháng tuổi phải ngồi xe khách quãng đường hơn 500km. Với hoàn cảnh gia đình làm nông làm chủ yếu, kinh tế phụ thuộc vào công việc thợ xây của người chồng. Khi con mắc bệnh, chị Thảo đã phải gác lại mọi công việc để tập trung chăm con. Thời điểm này, anh Trường cũng đang phải nhập viện để điều trị lao. Khoản chi phí chữa trị cho con là gánh nặng không nhỏ với gia đình anh chị./.

Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV Tuberculosis Foundation) đã phát triển phương pháp xử lý mẫu phân đơn giản một bước (simple one step - SOS stool method), không có yêu cầu về cơ sở hạ tầng hoặc thiết bị đặc biệt và có khả năng cải thiện tiếp cận chẩn đoán lao nhanh và điều trị phù hợp với trẻ em và người nhiễm HIV mắc lao phổi.

Phương pháp này đã và đang được triển khai thí điểm tại Etiopia, Indonesia và Hà Lan, nhằm có thêm bằng chứng cho WHO khuyến cáo phương pháp xử lý mẫu phân cho xét nghiệm Xpert MTB/RIF.
}
Top