Bước tiến đột phá trong phát triển vaccine HIV

05/02/2022 16:57

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia tại Viện Wistar, Mỹ, phát hiện kháng thể trung hòa mới có thể giúp cơ thể vật chủ trở thành 'nhà máy sản xuất kháng nguyên' chống lại virus HIV.

Bước tiến đột phá trong phát triển vaccine HIV - Ảnh 1.

Bước tiến đột phá trong phát triển vaccine HIV

Gần 4 thập kỷ sau khi được phát hiện, HIV đã cướp đi tính mạng của 36,3 triệu người và chúng ta vẫn chưa có vaccine nào để phòng ngừa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ nhóm chuyên gia tại Viện Wistar, Mỹ, đã cho thấy bước tiến đầy hứa hẹn trong việc phát triển vaccine HIV.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 4/2, phát hiện lần đầu tiên một kháng thể chống lại HIV trên chuột. Kháng thể trung hòa này có tên Tier-2, được phát triển nhờ chất tam phân (trimer).

Trước đây, việc tạo ra các kháng thể này bằng cách sử dụng những ứng cử viên vaccine đòi hỏi thí nghiệm kéo dài và tốn kém trên những mô hình động vật lớn. Điều này gây trở lại đáng kể cho việc phát triển vaccine HIV-1.

Tuy nhiên, phát hiện mới của nhóm chuyên gia Viện Wistar đã "mở ra cánh cửa cho phép phát triển loại vaccine HIV tiên tiến hơn". Theo PGS.TS Daniel Kulp, Trung tâm Tiêm chủng và Liệu pháp Miễn dịch, Viện Wistar, tác giả chính của công trình, họ mã hóa trimer tự nhiên thành DNA để đưa vào chuột. Điều này biến cơ thể vật chủ thành "nhà máy sản xuất kháng nguyên", thay vì đòi hỏi quy trình sản xuất vaccine phức tạp.

Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh kết quả từ những con chuột nhận được chất tam phân được mã hóa DNA với nhóm chỉ nhận miễn dịch protein tiêu chuẩn. Họ phát hiện chỉ chuột được nhận trimer được mã hóa mới có kháng thể trung hòa Tier-2.

PGS Kulp cho biết: "Ở cả hai cách, chúng tôi đều có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Song, nền tảng DNA đã thúc đẩy quá trình trung hòa một cách đáng chú ý".

Ông Kulp và cộng sự tiếp tục phân lập kháng thể đơn dòng từ chuột và xác định cấu trúc nguyên tử của một Tier-2. Họ phát hiện kháng thể này liên kết với một epitope (đoạn của protein dính ra khỏi kháng nguyên, kích thích phản ứng miễn dịch) được gọi là C3V5.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra các kháng thể liên kết với C3V5 bảo vệ động vật khỏi bị nhiễm SHIV - họ hàng gần của HIV lây nhiễm cho động vật linh trưởng không phải người.

Theo GS Kulp, phát hiện mới cho thấy sự đáng kinh ngạc ở cách kháng thể Tier-2 có thể vô hiệu hóa virus HIV. "Lần đầu tiên chúng ta thiết kế được vaccine tạo phản ứng kháng thể vô hiệu hóa trên diện rộng với epitope C3V5" - ông nói.

Theo Sciencedaily

Top